Putin và hành trình trở thành Tổng thống vĩ đại nhất nước Nga
Vị Tổng thống lý tưởng
Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã vươn lên từ trong khó khăn. Dường như chính các lệnh trừng phạt quốc tế đã bị biến thành các động lực để Nga phát hiện và sử dụng sức mạnh tự thân. Những con số tích cực về kinh tế đã đủ chứng minh cách quản lý đúng đắn của Tổng thống Putin. Chỉ cần làm một phép so sánh, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.
Brazil và Nga, các nền kinh tế mới nổi lớn thứ 3 và 4 thế giới, có rất nhiều điểm chung. Mỗi nước đều đạt GDP bình quân đầu người khoảng 10.000 USD, và đều phù thuộc chủ yếu vào các nguồn tài nguyên giàu có. Sau khi giá hàng hóa bất ngờ sụt giảm năm 2014, hai nền kinh tế nào co lại và đồng tiền mất giá. Các ngân hàng trung ương của họ đã vật vã đấu tranh chống lạm phát, đưa lạm phát xuống dưới ngưỡng 3%. Điều này đã cho phép cả hai cắt giảm lãi suất, đóng góp vào đà phục hồi khiêm tốn của nền kinh tế.
Nhưng kho thuế của mỗi bên khác nhau. Ngày 18/2 vừa qua, hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch đã hạ mức xếp hạng của Brazil xuống mức “đầu cơ”, trong khi đó, mức xếp hạng của Nga đã được nâng lên chỉ vài ngày sau khi S&P Global đánh giá nợ công của Nga là mức “đầu tư”. Điều này có thể hơi kỳ quặc đối với một đất nước đã bị kéo vài 2 cuộc chiến và đang phải chịu rất nhiều trừng phạt. Nhưng việc mức xếp hạng của Nga tăng lên không phải là khó giải thích. Dù cách tiếp cận địa chính trị của họ là khá mạo hiểm, nhưng cách tiếp cận kinh tế vĩ mô lại theo hướng bảo thủ sâu sắc. Thực vậy, chính sự mạo hiểm địa chính trị đòi hỏi Nga phải có sự bảo thủ về kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Oleg Kouzmin, thuộc ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, cho biết: “Chính sách kinh tế tổng thể của Nga, do tổng thống đặt ra, tập trung vào việc duy trì lạm phát ở mức thấp, đảm bảo rằng ngân sách ổn định, và tăng dự trữ”. Chuyên gia Timothy Ash, thuộc BlueBay Asset Management, cho rằng đây là một chiến lược “rất phòng thủ”, nhằm giúp nước Nga vượt qua các trừng phạt và tự bảo vệ mình trước phương Tây.
Khi giá dầu sụt giảm năm 2014, Chính phủ Nga đã nhận ra rằng cần “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa. Sau một cuộc vận lộn ngắn, họ đã để cho đồng rouble giảm giá. Họ hạn chế cầu bằng cách tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu công. Từ năm 2013-2016, GDP trên đầu người đã sụt giảm hơn 40% nếu tính theo đồng USD. Chuyên gia Kouzmin nhận định với suy nghĩ thực tế và sự nhanh nhạy của mình, cách Nga phản ứng với cuộc khủng hoảng như vậy là tốt nhất trong bất cứ thị trường mới nổi nào trong thập kỷ qua.
Thâm hụt ngân sách của chính phủ hiện chỉ là 1,5% GDP. Nợ ròng chỉ chiếm 8,4% GDP. Những con số lý tưởng đối với một nền kinh tế!
Brazil cũng có một quy định ngặt nghèo về thuế, buộc họ đóng băng chi tiêu của liên bang trong 20 năm. Nhưng chính phủ nước này đã không đưa các cam kết khác của mình phù hợp với giới hạn này. Ý định trì hoãn việc tăng lương cho công chức đã bị tòa án tối cao ngăn cản. Ý định cải cách lương hưu cũng đi xuống trong các cuộc tranh cãi tại quốc hội khi cơ quan lập pháp đã bác bỏ. Brazil phải chịu đựng một “thảm họa của công chúng” về thuế khóa. Các nghị sĩ đòi hỏi quá nhiều từ nhà nước, vì nếu họ không làm như vậy thì họ biết rằng đối thủ của họ sẽ làm vậy. Ngược lại, Tổng thống Nga và nhà hoạch định chính sách chính Vladimir Putin có rất ít đối thủ trong lĩnh vực thuế khóa. Điều đó khiến ông quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình.
Kiểu phòng thủ về kinh tế của Nga rõ ràng có tác dụng tốt cho việc xếp hạng tín dụng của họ. Theo chuyên gia Ash, chính sách càng thoải mái về thuế khóa và tiền tệ sẽ cho phép nền kinh tế “thở”.
Xét ở một góc độ nào đó, người Nga có thể nghèo hơn người dân ở các nước đồng minh cũ như Estonia và Ba Lan, với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ là 16.000 USD/năm.
Nhưng nhiều người dân Nga thường đem con số này so sánh với thời kỳ khó khăn kinh tế của nhà nước Liên Xô trước đây, chứ không so mình với thế giới. Phép so sánh này cho thấy đời sống dân Nga ngày này tốt hơn nhiều so với cách đây 20 năm! Người dân đã có trong tay nhiều tiền hơn. Dưới thời Liên Xô, người dân có thể mua rất ít đồ trong cửa hàng, phải có một thị thực ở bang mình nếu muốn du lịch ở bang khác và phải bật đài thật to nếu muốn bàn chuyện chính trị trong bếp nhà mình.
Dù thế giới không nhìn vấn đề của Nga theo cách so sánh như vậy, nhưng điều quan trọng, đây chính là cách nhìn nhận của đại đa số người dân Nga hiện nay, những người sinh ra từ thời Liên Xô, đi học ở trường Liên Xô, và sống hơn nửa cuộc đời của mình trong thời kỳ khó khăn này. Chính vì vậy, họ luôn coi ông Putin như vị cứu tinh của dân tộc, người đem lại cuộc sống mới ấm no hơn cho họ, một tổng thống lý tưởng.
Khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc
Bên cạnh những thành công rõ rệt về đối nội nói trên, khiến người dân Nga yêu mến ông, đương kim Tổng thống Putin còn rất biết cách khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc vốn rất mạnh mẽ từ trong máu từng cử tri Nga. Một trong các bằng chứng là quyết định của ông lùi cuộc bầu cử tổng thống tới đúng thời điểm kỷ niệm việc Nga sáp nhập Crimea, sự kiện được người Nga xem là một chiến thắng lớn.
Vladimir Pozner, một phóng viên báo hình từng làm việc trong thời Liên xô và cả trong nước Nga hiện đại, cũng như tại Mỹ, cho biết: “Ông Putin đã khơi dậy trong người dân Nga tình cảm về sự vĩ đại mà họ từng có trước khi Liên Xô tan rã. Họ luôn có cảm giác rằng nước Nga là một quốc gia vĩ đại và họ là một đại sứ”. Cảm nhận này của người Nga cũng giống như người Mỹ, vốn luôn nghĩ mình là đại sứ của một cường quốc vĩ đại.
Gần 3/4 người dân Nga hiện nay sinh ra và lớn lên dưới thời Liên Xô. 26 năm sau khi Liên Xô tan rã, nhiều người vẫn còn tư tưởng thời chiến tranh Lạnh và cảm thấy đang bị phương Tây đe dọa. Và phong cách quản lý quyết đoán của ông Putin đã làm cho ông càng được nhiều người dân yêu mến. Ông liên tục tạo ra hình ảnh của một người đàn ông có thể đối đầu với Mỹ, với NATO và làm cho các lợi ích của Nga được lắng nghe dù không “thuận tai” phương Tây cho lắm. Chính vì vậy, ông Putin rất được người dân ưa chuộng và biết ơn.
Việc ông Putin gần đây phô trương vũ khí chiến lược mới của Nga cũng chủ yếu là hướng đến người dân Nga nhiều hơn là khoe với thế giới. Ông đã gửi thông điệp rằng đất nước Nga đã hoàn thành kết quả vĩ đại, trở nên hùng mạnh và độc lập, và có thể tự bảo vệ mình.
Theo một cuộc thăm dò do Levada thực hiện gần đây, đa phần người Nga thấy Tổng thống Putin là một người mạnh mẽ và tự tin, người mà các mệnh lệnh của ông đều được tôn trọng, người bảo vệ nước Nga trước phương Tây, và là một vị lãnh đạo tài năng./.
Tác giả bài viết: Diệu An
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn