Chờ cảm hứng lan tỏa từ chiến thắng của đội tuyển với bóng đá VN - Ảnh: N.K.
Tuyển VN đang có những cầu thủ ở đẳng cấp châu lục, nhưng liệu có thể đưa ra đánh giá tương tự về nền bóng đá VN nói chung?
Tầm quan trọng của giải vô địch quốc gia
Lấy một ví dụ đơn giản: Hi Lạp từng vô địch Euro 2004 nhưng không ai dám bảo họ mạnh hơn Anh - đội tuyển đã trắng tay hơn 50 năm qua. Iraq cũng vô địch Asian Cup 2007 nhưng chưa bao giờ được xếp vào top 4 của châu Á. Đó là điều thú vị của bóng đá.
Những nền bóng đá bình bình đôi khi vẫn có thể làm nên điều kỳ diệu nhờ vào vài khoảnh khắc lóe sáng của các ngôi sao, nhờ chiến thuật tài tình của HLV hay rộng hơn một chút, nhờ vào một thế hệ tài năng.
Từ U-23 châu Á 2018 đến Asiad, AFF Cup 2018 rồi Asian Cup 2019, đội ngũ trong tay HLV Park Hang Seo được dựng lên từ một thế hệ những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu, Duy Mạnh... Và chưa có gì đảm bảo nối tiếp thế hệ vàng này sẽ là những thế hệ tài năng tương tự.
Để đánh giá sức mạnh đúng nghĩa của một nền bóng đá, cần nhìn vào nhiều yếu tố bao gồm chiến tích của đội tuyển, công nghệ đào tạo trẻ và hệ thống giải vô địch quốc gia. Trong số này, giải vô địch quốc gia là điều mà bóng đá VN vẫn còn cách xa nhiều nước ở châu Á.
Có nhiều cơ sở để tin rằng thành công của giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia có liên quan chặt chẽ với nhau. Có thể dẫn chứng trong số 8 đội lọt vào tứ kết Asian Cup, ngoại trừ VN, 7 đội tuyển còn lại đều có giải vô địch quốc gia cấp cao nhất được Transfermarkt định giá hơn 100 triệu USD.
Lần lượt xếp hạng giá trị giải vô địch cấp cao nhất của các nước này là Trung Quốc (522 triệu USD), Nhật (400), Hàn Quốc (157), UAE (145), Iran (140), Qatar (117) và Úc (108).
Trong nhóm bị loại sớm, chỉ mỗi Saudi Arabia là có giá trị cao (Saudi Professional League được định giá 422 triệu USD). Có thể nói việc bị loại sớm là do tuyển Saudi Arabia quá "xui" khi đụng phải Nhật Bản ở vòng 16 đội.
Trong khi đó, V-League chỉ được định giá vỏn vẹn 5 triệu USD.
Một ví dụ khác về mối tương quan giữa giải vô địch quốc gia và thành tích tuyển quốc gia là bảng xếp hạng các giải đấu của AFC. Theo bảng xếp hạng này, 8 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á được LĐBD châu Á (AFC) xếp hạng lần lượt là Trung Quốc, Qatar, Hàn Quốc, UAE, Iran, Nhật, Saudi Arabia và Thái Lan.
Có đến 6/8 đội tuyển kể trên lọt vào tứ kết Asian Cup 2019. Giải vô địch Úc tuy không nằm trong top 8 nhưng giữ vị trí thứ 9, trong khi V-League của VN xếp vị trí thứ 19.
V-League phải thay đổi
Những con số nói trên thật ra chỉ là phần nổi của hệ thống giải vô địch quốc gia. Cũng như câu chuyện thành công của nền bóng đá, kết quả của một hệ thống giải vô địch quốc gia cũng được cấu thành từ nhiều yếu tố. Nó bao gồm thành tích của CLB ở châu lục, lượng khán giả đến sân, yếu tố thương mại và quy mô giải đấu.
Từ nhiều năm qua, V-League đã bị chê về lượng khán giả đến sân lèo tèo dù mức vé vào sân rất rẻ. Việc lôi kéo khán giả đến sân là một bài toán phức tạp, phụ thuộc vào khả năng làm thương mại, PR cũng như tính cạnh tranh của giải đấu. Giải ngoại hạng Anh hấp dẫn phần lớn nhờ vào yếu tố bất ngờ liên tục sau từng mùa giải.
Một nghịch lý nữa trong hệ thống giải vô địch VN là mô hình kim tự tháp ngược của các hạng đấu. Ở hầu hết các nước khác, giải đấu hạng cao nhất luôn có ít đội nhất, rồi từ từ nở rộng khi đi xuống các hạng đấu thấp hơn.
Ví dụ như ở Anh, Premier League bao gồm 20 đội, từ Giải hạng nhất đến Giải hạng tư của Anh gồm 24 đội/giải, Giải hạng 6 gồm 44 CLB, Giải hạng 7 gồm 88 CLB... Ở Nhật cũng gần tương tự, J-League 1 gồm 18 CLB, J-League 2 gồm 22 CLB và Giải hạng 5, hạng 6 của họ gồm những 134 CLB.
Trái lại ở VN, V-League gồm 14 CLB nhưng Giải hạng nhất chỉ có... 10 đội. Điều đó chứng tỏ Giải vô địch quốc gia VN thiếu hẳn phần gốc rễ, một đội bóng quá dễ dàng sụp đổ khi ông bầu chia tay cuộc chơi.
Không giống như hành trình của đội tuyển quốc gia, nơi thầy trò HLV Park Hang Seo đã làm xuất sắc công việc của mình, chuyện phát triển một hệ thống giải đấu tùy thuộc vào những người quản lý bóng đá.
Bài học Nhật Bản và cơ hội của bóng đá Việt
Trong nhiều trường hợp, chiến tích của đội tuyển quốc gia là một bước đệm rất quan trọng để phát triển giải đấu.
Người Nhật đã tận dụng rất tốt kỳ World Cup 2002 xuất sắc của họ để cải tổ hệ thống giải đấu. Giai đoạn những năm cuối thập niên 1990, lượng khán giả đến sân trung bình của Giải vô địch Nhật Bản chỉ vào khoảng 10.000 người/trận. Nhưng sau giai đoạn cải tổ 2000-2002, con số này vọt lên 18.000-20.000 người và ổn định suốt từ đó đến nay.
Thành tích của tuyển Nhật ở World Cup 2002 được báo chí Nhật gọi là "nguồn cảm hứng" cho việc mở rộng hệ thống giải đấu, CLB chuyên nghiệp. Nó giúp lôi kéo nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con theo nghiệp cầu thủ bóng đá.
Hãy cùng chờ đợi nguồn cảm hứng của thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ thực sự lan tỏa với bóng đá VN.
Chấm điểm các giải đấu vô địch quốc gia của AFC:
1. Trung Quốc 95.928
2. Qatar 94.003
3. Hàn Quốc 86.028
4. UAE 85.275
5. Iran 78.893
6. Nhật 78.352
7. Saudi Arabia 74.445
8. Thái Lan 57.403
9. Úc 53.916
...
19. Việt Nam 22.548
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn