Kỳ tích Hàn Quốc: Đập tan "nạn hoa hồng" đang khiến cả TQ, Việt Nam nhức nhối

Thứ bảy - 09/09/2017 04:20
(Phapluat News) - Mặc dù các bác sĩ và dược sĩ lo lắng cuộc cải cách về kê đơn thuốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ, tuy nhiên các số liệu thống kê sau cải cách cho thấy điều ngược lại.
Kỳ tích Hàn Quốc: Đập tan "nạn hoa hồng" đang khiến cả TQ, Việt Nam nhức nhối

 


Như trong bài trước đã đề cập, "Y - Dược phân ly" đã được chính phủ Trung Quốc đề ra từ những năm 1990, nhưng phải sau vụ tham nhũng dẫn đến án tử hình Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Trịnh Tiêu Du (năm 2007), chính sách này mới được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Dù vậy, cho đến nay, mô hình này mới dừng ở mức "rụt rè", áp dụng thí điểm tại một số nơi.

Với Việt Nam, sau vụ án thuốc ung thư giả H-Capita tại công ty VN Pharma, một lần nữa vấn nạn "hoa hồng" lại trở thành vấn đề thời sự, làm nhức nhối không chỉ hàng triệu người bệnh mà còn làm đau lòng rất nhiều bác sĩ chân chính. Đó đương nhiên là chuyện vi phạm y đức, trái pháp luật, nhưng lại tồn tại ngầm, có thực, rộng khắp trong đời sống y tế ở Việt Nam.

Mới sáng nay (8/9), báo VnExpress đăng bài viết của một bác sĩ (xin giấu tên) tiết lộ: Kê toa một loại thuốc, bác sĩ nhận "hoa hồng" 10-30%! Còn trong một bài gần đây đăng trên Trí Thức Trẻ, TS. Nguyễn Khánh Hòa gọi sự "đi đêm" giữa công ty dược/dược sĩ với quan chức y tế hoặc bác sĩ là "sự thông đồng bẩn thỉu" (xem chi tiết)...

Tiếp sau câu chuyện liên quan Trịnh Tiêu Du, chúng tôi giới thiệu bài viết về một mô hình "Y - Dược phân ly" được coi là đã thành công trên thế giới, đó là tại Hàn QuốcBài viết của tác giả Hak-Ju Kim - Trưởng khoa Phúc lợi Xã hội, Đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc.

Hai mục tiêu lớn của Chính phủ Hàn Quốc

Từ ngày 1/7/2000, Chính phủ Hàn Quốc chính thức áp dụng "Y - Dược phân ly" và coi đây là một trong những ưu tiên cải cách hàng đầu. Nói một cách dễ hiểu là cấm bệnh viện, bác sĩ trực tiếp phân phối (bán) thuốc cho bệnh nhân ngoại trú, và cấm các dược sĩ kê đơn thuốc hoặc "đi đêm" với bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân.

Mặc dù biết rằng cải cách sẽ gặp phải sự phản đối của nhiều bệnh viện và lực lượng bác sĩ, dược sĩ vì ảnh hưởng đến thu nhập của họ, nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết tâm và quyết liệt triển khai, với 2 mục tiêu lớn:

- Phân chia rõ vai trò giữa bác sĩ và dược sĩ nhằm ngăn ngừa nạn kê đơn thuốc không cần thiết và không chính xác, từ đó giảm tổng chi cho y tế.

- Ngăn ngừa nạn lạm dụng và sử dụng sai thuốc, giảm thiệt hại cho người bệnh.

Giai đoạn cuối những năm 1990 - đầu 2000 cũng là thời điểm các công ty dược phẩm đa quốc gia dồn sự tập trung đầu tư, biến đất nước này thành một thị trường tiêu thụ dược phẩm rất sôi động. 

Theo luật cũ ở Hàn Quốc, các dược sĩ được phép kê đơn thuốc, còn các bác sĩ cũng được phép tự do buôn bán thuốc trực tiếp cho các bệnh nhân của họ. Do đó, cả bác sĩ và dược sĩ đều nhận được lợi nhuận cao, trong khi nhiều bệnh nhân bị đặt vào tình trạng bị lạm dụng thuốc kê toa. Một trong những loại thuốc bị lạm dụng kê toa nhiều nhất là kháng sinh.

Nhưng kể từ 1/7/2000, các nhà phân phối thuốc tại các bệnh viện bị đóng cửa, bệnh nhân chỉ được mua thuốc tại các nhà thuốc được cấp quyền sử dụng các toa thuốc từ bác sĩ (một số sản phẩm thuốc không cần kê đơn như giảm đau, hạ sốt... thì vẫn được phép bán tự do).

Kỳ tích Hàn Quốc: Đập tan nạn hoa hồng đang khiến cả TQ, Việt Nam nhức nhối - Ảnh 1.

Bác sĩ không được phép bán thuốc, dược sĩ không được phép kê đơn. Ảnh minh họa.

Thực tế, cuộc cải cách này ở Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về mặt quản lý với ngành y và dược, nó còn phản ánh sự dịch chuyển cơ cấu trong hệ thống cung cấp dịch vụ y tế của nước này. Bằng chứng rõ nhất là nó làm tăng tỷ trọng của các công ty nước ngoài trên thị trường cung ứng dược phẩm, và giúp giảm thâm hụt ngân sách bảo hiểm y tế.

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, cuộc cải cách diễn ra rất thành công nhờ việc sử dụng kháng sinh và thuốc tiêm tại Hàn Quốc đã giảm theo hệ thống mới, dẫn đến việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe thực tế. Trong quý III năm 2011, kháng sinh điều trị của các bệnh viện giảm xuống còn ở mức sử dụng cho 43% bệnh nhân, trong khi cùng kỳ 1 năm trước đó là 49%.

Trong cùng thời kỳ, báo cáo về bảo hiểm của các bệnh viện cũng cho thấy sự giảm đáng kể việc lạm dụng thuốc theo toa, và đương nhiên trong đó là sự giảm rõ rệt của việc sử dụng kháng sinh.

Trước cải cách: Y - Dược mâu thuẫn lợi ích

Cuối những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đề ra chính sách Hệ thống bảo hiểm y tế cộng đồng (National Health Insurance - NHI). Để tranh thủ sự ủng hộ của công chúng, Chính phủ đã đặt ra mức phí dịch vụ y tế thấp cho bệnh nhân có bảo hiểm, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa áp lực tài chính lên hệ thống NHI ngày càng gia tăng.

Để ổn định tài chính, hệ thống NHI chỉ trợ cấp và hoàn trả ít hơn 50% chi tiêu cho bảo hiểm y tế ở các vùng khác nhau.

Đến lượt mình, để bù đắp cho khoản chi phí bị hao hụt mà bảo hiểm thì không thể hoàn trả đủ, bệnh viện và các phòng khám cho phép các bác sĩ kê đơn thuốc, và bán cho bệnh nhân.

Trong khi đó, dược sĩ cũng thực hiện tăng thu nhập bằng cách gây ảnh hưởng lên bệnh nhân điều trị bệnh và chỉ cung cấp một số sản phẩm thuốc mà họ kê đơn.

Qua thời gian, điều này gây nên mâu thuẫn lợi ích giữa 2 lực lượng bác sĩ và dược sĩ.

Kỳ tích Hàn Quốc: Đập tan nạn hoa hồng đang khiến cả TQ, Việt Nam nhức nhối - Ảnh 2.

Ngành Y - Dược tại Hàn Quốc từng mâu thuẫn trầm trọng. Ảnh minh họa.

Gần như tất yếu, các bác sĩ và dược sĩ tại Hàn Quốc ngày càng kê toa nhiều thuốc kháng sinh hơn cho bệnh nhân, nhằm mục đích tăng lợi nhuận bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu chữa bệnh thực của bệnh nhân. Trước năm 2000, Hàn Quốc đã từng là một trong những nơi có tỷ lệ dùng kháng sinh cao nhất thế giới, đặc biệt là penicillin!

Việc lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh kéo theo việc làm tăng sức đề kháng của vi trùng gây bệnh, khiến cho tác dụng của thuốc kém hiệu quả và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm hơn. Chưa kể, chi phí cho dược phẩm ngày càng tăng cao, và lên đến khoảng 31% chi tiêu y tế toàn quốc cho đến trước cải cách.

Những vấn đề nêu trên và sự chồng chéo ngày càng rõ rệt, căng thẳng giữa vai trò của bác sĩ và dược sĩ chính là nguyên nhân thúc đẩy nỗ lực tách riêng Y và Dược. Nhiều lần Chính phủ Hàn Quốc muốn thực hiện cải cách nhưng bị trì hoãn vì nhiều lý do. Phải đến 1/7/2000, các nỗ lực cải cách mới được đưa vào thực thi.

Thành tựu "lạ kỳ": Thu nhập bác sĩ, dược sĩ tăng

Mặc dù các bác sĩ và dược sĩ lo lắng cuộc cải cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ, tuy nhiên, sau cải cách, các số liệu thống kê cho thấy điều ngược lại. 

Cụ thể, thu nhập trung bình hàng năm của mỗi phòng khám tăng từ 229 triệu won (năm 1998) lên 338 triệu won (2001). Thu nhập trung bình hàng năm của mỗi nhà thuốc tăng nhiều so với cùng kỳ, từ 60 triệu won lên tới 305 triệu won!

Ước tính, mức tăng lợi nhuận trung bình hàng năm sau cải cách dao động từ 50 đến 83 triệu won cho mỗi phòng khám; và từ 23 đến 87 triệu won cho mỗi nhà thuốc.

Sự gia tăng thu nhập cho cả giới bác sĩ và dược sĩ một phần là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của phí cải cách dịch vụ, khiến cho một lượng lớn bác sĩ từ bệnh viện dịch chuyển sang phòng khám. Chi phí y tế cho các dịch vụ có bảo hiểm trong phòng khám cũng tăng lên 33%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng ở các bệnh viện.

Ngoài ra, khi phải đối mặt với sự thay đổi của cải cách, các bệnh viện đã quyết định cung cấp các dịch vụ y tế không có bảo hiểm, trong đó có nhiều loại phí không được quy định, với lợi nhuận cao để phục hồi những tổn thất từ việc không được tự ý bán thuốc.

Gánh nặng chi tiêu của bệnh nhân đối với các dịch vụ y tế không có bảo hiểm tăng lên đáng kể sau cải cách, trong khi tỷ lệ tăng chi tiêu thuốc men lại có chiều hướng giảm nhẹ. Kể từ năm 1999 đến năm 2001, lợi nhuận trung bình từ các dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm tăng hơn 8% tại các bệnh viện.

Kỳ tích Hàn Quốc: Đập tan nạn hoa hồng đang khiến cả TQ, Việt Nam nhức nhối - Ảnh 3.

Đối với các hãng dược, một yếu tố quan trọng giúp họ tăng doanh thu là các loại thuốc được bác sĩ kê đơn. Bởi nếu bác sĩ muốn kê đơn các sản phẩm của thương hiệu nhập khẩu sẽ tương đối tốn kém hơn so với các sản phẩm trong nước. Và kỳ lạ là dù tình trạng "hoa hồng" cho bác sĩ đã được kiểm soát rất chặt chẽ sau cải cách, thì doanh thu của các hãng dược vẫn tăng lên rõ rệt.

Tỷ lệ các đơn thuốc giá cao cho bệnh nhân ngoại trú đã tăng từ 26,01% (tháng 3/2000) lên 34,36% (tháng 3/2001) ở các phòng khám, và từ 59,37% lên 73,21% ở các bệnh viện chuyên khoa nói chung.

Như vậy, doanh thu của các công ty dược phẩm tăng liên tục sau cải cách, đặc biệt là ở các công ty đa quốc gia, với tỷ lệ tăng 138% tính từ nửa cuối năm 1999 đến nửa cuối năm 2002.

Một số bài học từ "Y - Dược phân ly" ở Hàn Quốc

1. Phản ứng của người tiêu dùng

Trong thời gian đầu cải cách, một số chuyên gia lên tiếng lo ngại rằng Hàn Quốc chưa sẵn sàng cải cách. Họ lập luận rằng, việc thực hiện bắt buộc chính sách "Y - Dược phân ly" sẽ gây ra nhầm lẫn và bất tiện cho người dân. Bệnh nhân có thể sẽ phải đến nhiều hiệu thuốc để mua đúng loại thuốc theo toa.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy rằng, sau giai đoạn ban đầu, sự bất tiện đang giảm và bệnh nhân đang thích nghi dần với hệ thống mới.

2. Gia tăng giá cả nhiều loại thuốc

Mặc dù cải cách loại bỏ được "nhóm lợi ích", "hoa hồng" trong việc kê đơn thuốc, nhưng có một thực tế là giá các loại thuốc do bác sĩ kê toa lại tăng nhanh, thời gian dùng thuốc của người bệnh cũng kéo dài hơn.

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc (MOHW), tỷ lệ bệnh nhân sử dụng các loại thuốc có giá cao tăng từ 26% (tháng 5/2000) lên 54% (tháng 5/2001). Sự gia tăng giá cả và số lượng các loại thuốc thương hiệu được kê toa đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về bảo hiểm y tế ở nước này.

3. Thách thức trong quá trình thực hiện

Việc thực hiện cải cách, mặc dù đạt được thành tựu ở nhiều mặt, tuy nhiên nó cũng vướng phải một số thách thức.

Chẳng hạn, Bộ Y tế cấm các bệnh viện và nhà thuốc không được "móc nối" với nhau, nhưng lại cho phép 2 cơ sở này được hiện diện trong cùng một tòa nhà, nên nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực là có thể xảy ra.

Cải cách cũng không ngăn cản được ngay tức thì việc các dược sĩ cung cấp thuốc theo toa bất hợp pháp - theo yêu cầu của bệnh nhân. Mặc dù trong vài năm sau cải cách, chỉ có một số bệnh viện và dược sĩ chính thức bị kỷ luật vì hoạt động trái phép, nhưng nhiều báo cáo gần đây đã tiết lộ rằng có tới 400 trường hợp vi phạm quy định trong năm 2001!

* Theo Healthaffairs

Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây