Giải mã bí ẩn Putin: Ðâu là cách của người quyền lực?

Thứ bảy - 04/02/2017 23:42
Giải mã bí ẩn Putin: Ðâu là cách của người quyền lực?

 

(PL News) - Lần thứ tư ông vào top 10 do tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn. Lý do lại chọn Putin, như Forbes giải thích hôm 14-12-2016: Tổng thống Nga 64 tuổi biết cách dùng ảnh hưởng nước mình để tham gia hiệu quả vào gần như tất cả vấn đề trên thế giới và tiếp tục đạt được những gì ông muốn.

Và ông Putin, người tạo ra xu hướng lãnh đạo “rắn” trên toàn cầu, chỉ đạo giải quyết mọi chuyện rất tự tin, quyết liệt và hiệu quả. Năm nay ông xếp trên Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (vị trí thứ 2), nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ 3), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 4), Giáo hoàng Francis (thứ 5) trong khi… Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama xếp thứ 48.

Bản lĩnh và thuyết phục

Dáng đi nhà binh, vung tay như duyệt binh, mặt lạnh, đôi mắt sắc lẻm đem lại cho các đối tác, như cựu Tổng thống George W. Bush từng thừa nhận: "Khi tôi nhìn vào mắt ông ấy, tôi thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy....", còn nhiều người khác khuyên khi hội đàm với Putin tốt nhất đừng nhìn vào mắt ông ấy, kẻo bị lôi cuốn theo.

Nhiều đối tác nước ngoài từng có dịp gặp Putin nói ông ấy rất lịch sự và rất cuốn hút, có thể lôi kéo, thuyết phục đối tác ngả theo ý ông ấy. Thế nên, chuyện gì ông ấy cũng dễ thành công. Một nghiên cứu sinh người Việt ở Leningrad từng ngồi với Putin khi ông còn “chưa là gì”, kể: Vova (tên thân mật của Putin) nghĩ rất nhanh và khi đã “chí” vào việc nào đều sắc sảo và gọn gàng.

Một việc nhiều người còn nhắc lại, trước thềm năm 2000, hội chứng nỗi sợ Year 2K nổi lên, với dự báo thế giới bị đá trời ngoài hành tinh đâm phải, diệt vong không tránh được... Lúc ấy, dân chúng nhiều thành phố nháo nhào đào hầm, tích lương… còn ông Putin lại bình tĩnh như không. Hỏi, ông thản nhiên nói: Đã gọi là không tránh được thì tránh cũng như không, thế thì việc gì phải tránh, cứ việc bình thản mà đón nhận…

Điều này thể hiện bản lĩnh, sự bình tĩnh, hay là cái tính dám chấp nhận đương đầu với mọi chuyện? Có lẽ cả hai, và vì thế mà dân chúng thêm tin ông.

Tin ông hơn về cách đàng hoàng, dù cũng chịu ba chìm bảy nổi. Mấy lần trồi sụt trên ghế thủ tướng rồi tổng thống, khi vừa sắp xếp tạm ổn thì “hết giờ”, lúc ấy ai cũng đoán ông sẽ cho sửa Hiến pháp để tiếp tục giữ ghế như chuyện vẫn thấy đâu đó trên đời. Nhưng không, Putin quyết xuống, chấp hành đúng Hiến pháp lúc đó, hết hai nhiệm kỳ thì về làm người tử tế.

Đổi ngôi cho chiến hữu Medvedev để rồi nhận lại, cho đúng luật chỉ làm hai nhiệm kỳ liên tục, ông lại lên cầm cương lái con tàu Nga vượt sóng, mở rộng uy thế ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đó cũng là bài cao tay, tự tin nhìn xa, sắp đặt đường dài.

Tốt nghiệp đại học, ông từng bảo vệ xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ (văn bằng này của Nga ở Việt Nam được đổi thành Tiến sĩ) với đề tài khai thác mỏ, tài nguyên, nêu ý nước Nga muốn phất, cần gia tăng khai thác mỏ.

Ông triển khai vào đời sống luận văn ấy khi cầm quyền. Không ít người bảo ông may, vì đúng lúc giá dầu khí lên đỉnh, và nước Nga phất lên nhờ dầu.

Nhưng nếu chỉ có thế, giải thích thế nào khi giá dầu khí xuống, kinh tế khó khăn, uy tín của ông vẫn vững trong, ngoài nước?

Điều hành một cường quốc lớn, không chỉ khôn ngoan lèo lái, những thành công của ông Putin có thể xuất phát không ít từ cái chất rất… Putin hiếm có.

Sinh viên đi làm thêm

Sau nhiều lần chọn mấy người trước không thành công, ông Yeltsin chọn Putin làm “Thủ tướng tập sự” để “làm tạm” đợi đến kỳ Quốc hội bầu chính thức. Lên ghế Thủ tướng, Putin nhanh chóng được biết đến ở Nga nhờ năng nổ giải quyết tình hình xung đột Nga - Chechnya.

Ông Yeltsin củng cố lực lượng trong Quốc hội rồi rút, và Putin trở thành Tổng thống tạm. Tháng 3-2000, Putin chính thức trở thành Tổng thống. Ông làm hai nhiệm kỳ đến năm 2008, xuống, nhường cho Medvedev “làm hộ” ghế Tổng thống một nhiệm kỳ cho đúng luật, rồi năm 2012 lại tiếp quản.

Putin sinh ra và lớn lên tại Leningrad (St. Petersburg), trong một gia đình lao động bình thường. Mẹ ông là công nhân, cha là thương binh trong Chiến tranh thế giới thứ II, công nhân trên tàu, hai anh trai mất khi còn nhỏ, nên Putin kể ông như là con một.

Tổng thống Putin nhảy với bạn cùng lớp của mình, Elena, trong một bữa tiệc tại St Petersburg, sau đó được gọi là Leningrad, vào năm 1970Tổng thống Putin nhảy với bạn cùng lớp của mình, Elena, trong một bữa tiệc tại St Petersburg, sau đó được gọi là Leningrad, vào năm 1970

Ông nội ông, một bếp trưởng cao tay, được vời ra nấu ăn ở nhà ngoại ô của Stalin. Và Putin ảnh hưởng nhiều từ ông, những câu chuyện của ông về các lãnh đạo cao nhất nước.

Putin tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Quốc gia St. Petersburg năm 1975, làm Phó tiến sĩ kinh tế tại Học viện Mỏ năm 1990, nghiên cứu chủ đề "Hoạch định chiến lược các nguồn tài nguyên vùng trong bối cảnh thành lập các mối quan hệ thị trường".

Thời ấy, Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB tung người tuyển mộ nhiều sinh viên có lý lịch đỏ và tinh thần cách mạng cao để đào tạo tình báo kinh tế, nhằm phục vụ việc đuổi kịp phương Tây về công nghệ, kinh tế. KGB âm thầm theo dõi và mời nhiều sinh viên hội đủ tiêu chuẩn gia nhập lực lượng. Và Putin nằm trong số đó.

Thời Liên Xô còn khó khăn, làm nhân viên KGB là ước mơ của không ít người trẻ. Nào lương bổng cao, đủ mọi chế độ ưu đãi hơn người, nào oai như đẳng cấp trên, ổn định, lại có cơ đi nước ngoài, những điều kiện hiếm có với người thường lúc ấy.

Lúc 22 tuổi, đang còn là sinh viên, một hôm có người lạ đến gặp, nói KGB đã tìm hiểu kỹ về ông và mời ông làm việc. Và Putin gia nhập KGB, mới đầu chỉ như cộng tác viên, sinh viên làm thêm, rồi làm suốt 16 năm như một “Chuyên gia về quan hệ con người”.

Nhờ thạo tiếng Đức, năm 1985, KGB cử Putin đến Dresden, Đông Đức làm tình báo đối ngoại 5 năm. Đông Đức thời ấy là địa bàn giáp ranh phương Tây, tình báo các nước “đông như ruồi” và người ta đoán Putin được giao cả việc phản gián lẫn săn công nghệ, kỹ thuật phương Tây.

Hết nhiệm kỳ công tác, Putin quay về đúng vào lúc Liên Xô tan rã, cả xã hội loay hoay mất phương hướng. Trung tá KGB Putin ra quân, chuyển ngành. Hết Chiến tranh Lạnh, nghề này không hot nữa, và người ta ai cũng ngại nhận điệp viên KGB vào cơ quan mình. Chưa biết kiếm việc gì làm, Putin tính đem cái xe con của mình làm taxi, đưa đón khách kiếm sống qua ngày…

Không thầy, chưa chắc làm nên?

Đời có số và có thầy có bạn. Thầy ông ở đại học, giáo sư nổi tiếng Sovchak bỗng nhớ trò xưa sáng dạ, kêu ông về trường làm, bao bọc trực tiếp dưới quyền ông. 

Cũng nhờ thời đổi mới, thầy Sovchak lên làm Thị trưởng thành phố lại kéo ông làm phò tá. Putin thôi KGB khi cuộc đảo chính chống Tổng thống Gorbachov thất bại và chuyên tâm phò trợ thầy Sovchak tại quê nhà Leningrad. Năm 1994, ông theo thầy lên làm đến Phó chủ tịch thứ nhất thành phố.

Yeltsin cầm quyền ở thủ đô gặp lúc rối, cần người tài phò trợ, bèn mời Sovchak về giúp. Năm 1996, Sovchak về thủ đô, lại kéo các “đệ tử” từ cái nôi Leningrad, trong đó có Putin, về theo tạo thành một ê kíp ăn ý, người nào việc nấy nói nửa câu đã hiểu việc…

Putin có nghề tình báo được giao lãnh đạo Tổng cục An ninh FSB (tiền thân là KGB), Thư ký Ủy ban An ninh Nga. Yeltsin lúc này đã ốm yếu lại nghiện rượu, công tác cán bộ, nhân sự rối beng, phải thay thủ tướng liên tục mấy lần vẫn không xong, cuối cùng nhớ đến và nhấc Putin lên với hy vọng dùng “bàn tay sắt” để bình ổn triều chính.

Và Putin đã làm tốt. Ông dùng nhiều biện pháp thâu tóm quyền cho Kremlin, bãi bỏ quyền tự trị tại rất nhiều địa phương trước đó, thay đổi nhân sự theo hướng trọng người thực tài...

Khôn ngoan hơn Yeltsin, Putin đọc được tâm lý dân chúng còn nặng tình với Liên Xô, không xóa hết quá khứ tự hào của dân tộc, giữ lịch sử, từ nhạc quốc ca (chỉ sửa lời), cờ đỏ hồng quân, ngôi sao Xôviết… Putin nói rõ không nhắm mắt ca ngợi, mà nhấn mạnh tác động lớn của việc Liên Xô sụp đổ đối với thế giới…

Được lòng dân, Putin lúc đầu ứng cử với tư cách độc lập, không đảng phái trong cuộc bầu Nghị viện Nga 2003 và thắng lợi lớn. Đảng Nước Nga thống nhất nhìn thấy ngôi sao mới, mời Putin vào đảng, mời luôn ông làm Chủ tịch, và thắng vô tiền khoáng hậu, thắng liên tiếp.

Lừ lừ dẹp nạn quan chức vẩn vơ, lè phè ăn trên ngồi trốc, bất tài, tham nhũng. Buổi đầu rất khó và đụng chạm không ít, nhưng quyết liệt “chém đinh chặt sắt”, Putin đã thành công, và quan trọng nhất, tạo được niềm tin lớn.

Bài kinh tế - xã hội của Putin là thay vì đầu tư vào nền kinh tế, lúc khởi đầu chú trọng phát triển các chương trình xã hội để giành tình cảm của dân chúng. Có thể vì vậy, cộng với những thắng lợi đối ngoại mang lại hình ảnh mạnh mẽ của nước Nga, uy tín trong dân của Putin lên cao.

Tài, nhưng có số. Nếu thời đi học chểnh mảng, làm sao lọt mắt thầy. Như câu không thầy đố mày làm nên, mỗi bước ngoặt, Putin đều có thầy dìu dắt.

Không ai không thể đụng đến

Putin tự cho rằng ông làm việc trước hết và chủ yếu vì lợi ích của dân tộc Nga. Trung thành, cần mẫn và kín đáo. Putin vẫn là người bí hiểm, dù rõ ông tiêu biểu cho phái cứng rắn, phù hợp với khát vọng của số đông người Nga cần người cương quyết để khôi phục kinh tế, hình ảnh và địa vị nước lớn.

“Không ai là không thể đụng đến”, hay như vẫn thường nghe “không có vùng cấm”, được Putin thể hiện rất quyết liệt. Rất nhiều quan chức to, từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, đến cả phó thủ tướng… đùng một cái vẫn nhận được lệnh ra rìa như bỡn mỗi khi hỏng việc, lộ tài hèn.

Cái quyết liệt ấy, người ta bảo vì ông tính nhà binh, được tôi luyện đến ngấm đậm chất lính.

Ngay từ lúc còn là sinh viên, năm 1975, vào ngày khai giảng đại học năm thứ 5, một người tự xưng là Ivan Vasilevich đến gặp, trò chuyện khá lâu với Putin. Ông này rành Putin như người nhà, biết cả mong ước lẫn các bài luận của Putin.

Người lạ này là nhân viên KGB, thuyết phục Putin vào làm. Putin và vài người được máy bay riêng của KGB đón từ Leningrad đưa thẳng đến trường "Prakhovka" ở đông bắc Minsk khoảng 70 km để “tu nghiệp” trong một môi trường như nước ngoài.

Hai năm sau, trường tình báo "Prakhovka" đào luyện ra Trung úy Putin, phân về Trạm điệp báo Leningrad thuộc Tổng cục I KGB, làm 8 năm.

Putin được phiên vào Phòng D, chuyên phối hợp với Tình báo Đông Âu lo về tình báo khoa học kỹ thuật. Ông là người duy nhất nắm chắc các nhân viên KGB hoạt động tại đây, điều động họ theo các kế hoạch chặt chẽ.

Kế hoạch “nằm trong đầu”

Năm 1984, Thiếu tá Putin 32 tuổi, được phái sang CHDC Đức, đóng ở Leipzig. Danh nghĩa công khai là Chủ nhiệm Hội Hữu nghị Xô - Đức, nhưng bên trong là Cố vấn Quân sự của KGB bên cạnh Stassy - Cơ quan Tình báo Đông Đức. Nhiệm vụ của Putin là cùng Stassy mở rộng chân rết KGB đấu với các cơ quan tình báo phương Tây trên địa bàn này.

Đông Đức thời đó có 38 vạn quân Liên Xô đóng. Thủ đô Berlin là trung tâm chiến tranh gián điệp giữa Đông và Tây. Hàng nghìn nhân viên KGB hoạt động, với trụ sở ở Kasoster, ngoại ô Berlin, thu thập tin tức tình báo.

Thiếu tá Putin lúc đó là Tổ trưởng phụ trách tổ 8 người, thuộc Phòng D., Cục T., Tổng cục I, đặt dưới sự chỉ huy chung của Tướng KGB Vladimir Xerkhuv. Trụ sở của tổ đặt tại ngôi nhà nhỏ hai tầng, số 4 phố Angieli Caxtrasi không có trên bản đồ, đối diện Stassy, không xa căn cứ quân sự Liên Xô.

Ngày ngày, Putin chăm lo phát triển tình hữu nghị Xô - Đức trong vùng và hoạt động tình báo. Vợ ông lúc đó là Lyudmila Putina, cựu tiếp viên hàng không và là giáo viên dạy tiếng Đức, sang cùng. Sinh con gái đầu lòng (Maria, sinh năm 1985) tại Đức, sau đó là cô con gái thứ hai (Katya, sinh năm 1986, tại Dresden).

Đó là nơi có nhiều nhà máy quan trọng cho cả Đông Âu. Stassy và KGB đều cắm người vào làm ở nhà máy. Thông qua việc hợp tác của nhà máy với các công ty phương Tây, các nhân viên KGB thu nhiều tin tức tình báo về khoa học kỹ thuật đem về cho Liên Xô.

Nhưng Thiếu tá Putin hơn người ở chỗ ông không chỉ làm tốt công việc nổi và chìm của mình, mà còn ấp ủ một kế hoạch lớn, có hiệu quả lâu dài. Đó là kế hoạch "Hành động ánh sáng", với mục tiêu xây dựng mạng lưới tình báo kinh tế lớn ở Đông và Tây Đức, làm lực lượng “hậu chiến”.

Lúc đó, Putin thường cử nhân viên dưới vỏ bọc là nhân viên kỹ thuật sang các nước phương Tây, hoặc chiêu mộ các chuyên gia phương Tây sang Đông Đức làm việc cho KGB, thu thập tin tức tình báo và kỹ thuật điện tử quân sự NATO.

Kế hoạch này được báo Nga “Tin Tức” tiết lộ năm 2000, khi Putin trở thành quyền Tổng thống khiến Đức giật mình, tra lại hồ sơ về kế hoạch này, phát hiện cả trăm điệp viên đã chui sâu leo cao...

"Toàn bộ kế hoạch hành động của KGB đều nằm trong đầu Putin. Ông ta là một người rất thông minh, có sức kiềm chế mạnh và hành động hết sức cẩn thận. Ông ta luôn chỉ huy ở hậu trường, không để ai chú ý tới mình" - người Đức thừa nhận.

Mạnh mẽ như truyền thống

Mạnh mẽ như tính cách đàn ông Nga truyền thống, Putin thích cởi trần dã ngoại, săn bắn, câu cá, bơi lội, chèo thuyền, bổ củi, cưỡi ngựa, phóng mô tô… cứ như phim hành động. Hàng loạt chuyến đi, mỗi chuyến mang một hình ảnh mạnh mẽ, để lại ấn tượng người hùng.

Đời thường, ông vốn ưa thể thao, nhất là môn võ Judo Nhật, đạt đẳng cấp rất cao… Những hình ảnh đi công tác tự tin “sờ các nút” trong khoang lái máy bay, tàu thủy tạo hình ảnh người cầm lái vĩ đại. Đối thủ ấm ức tố ông chơi trò PR điêu luyện, còn Putin mặt cứ lừ lừ như ông từ đi vào lòng dân.

Đàn ông, không ngán điều gì, thích đương đầu mà không thỏa hiệp. Ngạo nghễ mà từ tốn, không lụy cái gì. Ngoại lục tuần, người thường ủy lụy quanh xó nhà, giao phó mọi việc cho người khác, nhưng Putin khác. Ông bình thản dắt bà nhà ra trước ống kính, bình lặng tuyên bố chia tay sau 30 năm chung sống.  

Một mình lại bình thản bước tiếp đường đời như một gã muzik Nga thứ thiệt. Hoàn cảnh nào cũng mạnh mẽ, băng qua mà lướt tới, đầy chất Nga, và dân Nga khoái.

Nhưng Putin có tật xấu, thường xuyên trễ hẹn, cả với các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo tôn giáo.

Điều này chẳng mấy hay. Có thể, gặp quan chức quan trọng, nhưng với Putin, ưu ái dành nhiều cho tầng lớp trung lưu. Ông có vẻ hiểu rõ lý thuyết, rằng tầng lớp này là động lực thúc đẩy sản xuất. Trung lưu làm ăn được, sẽ tạo việc làm, kéo tầng lớp dưới. Đó là lý do kinh tế gặp khủng hoảng mà dân Nga vẫn không trách Putin nặng nề. Tỷ lệ bình chọn cho Putin trong tầng lớp trung lưu vẫn ở ngưỡng 85-90%.

"Phức tạp nhưng không quan trọng" dân chúng tin lời của Putin, tin và chấp nhận chịu đựng khó khăn để cùng tiến. Và họ vẫn dành cho Putin sự ủng hộ và tỉ lệ tán thành cao.

Đem lại hình ảnh và vị thế

Tờ Vedomosti viết: “… Nhiều người cảm thấy sự hồi sinh sự vĩ đại mà nước Nga đã đánh mất sau sự sụp đổ của Liên Xô". Người Nga cảm thấy tự hào khi được là người Nga.

Việc Nga tham chiến tại Syria cũng tăng thêm tình cảm của người Nga vì “tự hào về lực lượng vũ trang của mình”. Một thăm dò gần đây cho thấy, 68% người được hỏi tự hào về ảnh hưởng chính trị của Nga trên thế giới và khoảng 60% nghĩ rằng Nga tốt hơn so với phần lớn các nước khác.

Nga có được đột phá khẩu quan trọng phá thế bao vây cấm vận là qua ngả “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, từ đó có thể thách thức NATO và hiệu chỉnh EU. Đây có thể được xem là cơ hội “có một không hai” cho nước Nga khẳng định lại vị thế của mình.

Với các hoạt động năng nổ giải quyết chuyện toàn cầu, Nga dưới thời Putin đang lấy lại hình ảnh cường quốc.

Với uy tín tăng cao, rất có thể Putin sẽ làm Tổng thống đến năm 71 tuổi. Sau đó, với tài sắp đặt, có thể nước Nga vào một thời đại Putin mới mà không có Putin. Người khó đoán chưa để ai đoán được nhân vật kế cận. Biết đâu lại giống như lúc ông lên, quyền lực bất chợt nắm vào giờ chót…

Tổng thống Putin nhảy với bạn cùng lớp của mình, Elena, trong một bữa tiệc tại St Petersburg, sau đó được gọi là Leningrad, vào năm 1970.

Nguồn tin: Theo VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây