Đòi phải xin mới cho hát thì quá vô lý!

Thứ sáu - 14/04/2017 00:43
(PL News) - Tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn không ra một quy định chặt chẽ về những nhạc phẩm có nội dung không được sử dụng để các đơn vị nghệ thuật có thể dựa vào đó mà “tự xử”?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Tôi hoàn toàn đồng ý với lời phát biểu của ông Đào Đăng Hoàn (cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn): “Làm sao chúng tôi biết được có những bài nào để mà cấm. Làm sao chúng tôi thu thập được tất cả bài hát của VN, những bài sáng tác của nước ngoài để lên danh sách...”.

Thật vậy, từ sau năm 1954-1975 phải nói là Sài Gòn đã để lại số tác phẩm “khổng lồ”.

Ấy là chưa nói đến những tác phẩm thời tiền chiến được Sài Gòn sử dụng lại.

Tôi nghĩ, tất cả nhân viên Cục Nghệ thuật biểu diễn ngồi nghe hằng ngày để thẩm định chắc chắn vẫn còn sót vì cục này không thể lưu trữ đủ số đĩa, băng nhạc, những tờ nhạc gấp đã phát hành. Không lưu trữ, không biết thì làm sao mà cấm.

Chính vì vậy mà ông Đào Đăng Hoàn xác định: “Tất cả phải thông qua xin phép, chúng tôi thẩm định thấy không được mới cấm. Bây giờ tạo ra danh sách là điều không tưởng”.

Qua phát biểu này ta thấy Cục Nghệ thuật biểu diễn ngồi chờ người xin rồi Cục mới thẩm định và cấp phép chứ không hề chủ động trong việc hướng dẫn các đơn vị chủ động hơn trong việc sử dụng, để không cần đến cơ chế xin - cho.

Theo tôi nghĩ, tích cực hơn tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn không ra một quy định chặt chẽ về những nhạc phẩm có nội dung không được sử dụng để các đơn vị nghệ thuật có thể dựa vào đó mà “tự xử”.

Nếu nghe lại những nhạc phẩm đã từng được hát và in, tựu trung chỉ có một số loại đề tài cố định:

Nhiều nhất đề tài tình yêu (đại diện là những bài nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng và những nhạc phẩm của Phạm Mạnh Cương, Lam Phương, Đỗ Lễ, Trúc Phương...)...

Kế đó là đề tài ca ngợi lao động, đất nước (thí dụ Hội Trùng Dương, Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương; Tình ca, Con đường Cái Quan - Phạm Duy, Chiếc áo bà ba của Trần Thiện Thanh...)...

Một số ít nhạc dân ca và dựa theo âm hưởng dân ca; nhạc phản chiến (chủ yếu là nhạc Trịnh Công Sơn); nhạc hài hước châm biếm (ban AVT); nhạc nước ngoài lời Việt (chủ yếu là đề tài tình yêu).

Phân loại những loại đề tài như vậy thì có thể đưa ra một quy định có tính cách chỉ đạo nhạc được hát và bị cấm. Tôi mạo muội đề xuất với Cục Nghệ thuật biểu diễn nội dung những loại nhạc phẩm không được phổ biến như sau:

1. Nhạc có nội dung và lời nhạc chống cách mạng.

2. Nhạc ca ngợi lính Việt Nam cộng hòa.

3. Nhạc có ca từ liên quan đến chiến tranh - không rõ nghĩa.

4. Nhạc có lời dung tục và quá sức ủy mị hay bạo lực.

5. Ca ngợi cuộc sống miền Nam - xuyên tạc cuộc sống miền Bắc.

6. Ca khúc bị sửa lời so với nhạc phẩm gốc - chỉ trừ khi chính tác giả sửa và có đăng ký bản quyền.

Khi có quy định làm chuẩn thì cục sẽ không cần phải ký giấy cho phép hát những bản nhạc cụ thể nữa mà chỉ cần thẩm tra xem có đơn vị nào xé rào không.

Cũng như trong thời gian vừa qua, đâu cần ai xin phép mà Nối vòng tay lớn hát rầm trời. Vậy mà đòi phải xin mới cho hát thì quá vô lý.

Sửa đổi quy định cấp phép là cần thiết

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Phó Đức Phương - giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN - cho rằng:

Từ sự việc di sản âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có hàng trăm bài được hát khắp nơi, nhưng hiện tại mới chỉ được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép mấy chục bài, chứng tỏ đơn vị này không thể làm xuể việc cấp phép.

Nếu các bài hát phổ biến trong đời sống cũng đòi hỏi tác giả hoặc người nhà phải xin cấp phép phổ biến thì rất bất cập.

Việc sửa đổi các quy định cấp phép bài hát này là cần thiết để đỡ vất vả cho người sử dụng và cơ quan quản lý nhà nước. Phương thức cấp phép từng bài hát đã không còn phù hợp.

Các đạo luật được Quốc hội ban hành còn được sửa đổi nếu không còn phù hợp với thực tiễn, vậy thì tại sao các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư lại không thể chỉnh sửa?

Chiều 13-4, ông Đào Đăng Hoàn - cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - cũng xác nhận với PV Tuổi Trẻ quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 của cục xuất phát từ văn bản đề nghị của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM do ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc sở này, ký.

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây