Độc quyền SGK: Lỗ 40 tỷ mỗi năm, vì sao vẫn lãi lớn?
Thứ sáu - 21/09/2018 20:35
Chiều 21/9, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) gặp gỡ báo chí để trao đổi những vấn đề liên quan sách giáo khoa (SGK) mà dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều vấn đề được các phóng viên nêu ra, tuy nhiên đại diện NXBGDVN chỉ trả lời được một phần nhỏ, nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời.
Mở đầu cuộc trao đổi, Tổng Giám đốc NXBGDVN Hoàng Lê Bách đọc một văn bản giải thích về một số vấn đề dư luận quan tâm thời gian qua. Theo đó, liên quan chuyện độc quyền SGK, ông Bách khẳng định việc xuất bản SGK hiện hành được thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản.
Về ý kiến SGK sửa đổi liên tục hằng năm, ông Bách cho biết, theo quy trình biên soạn, biên tập, thẩm định, phê duyệt xuất bản, in và phát hành SGK, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng ký ban hành, SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GĐ&ĐT phê duyệt. Vì vậy, nội dung sách được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách (2002-2008) đến nay. Trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lý Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong SGK một số môn học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.
Về ý kiến SGK chỉ sử dụng được một lần, ông Bách khẳng định về cơ bản, SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau.
Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)… Tuy nhiên, để tránh việc học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong một số văn bản hướng dẫn giảng dạy. Các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên, qua một số chú thích dưới các bài tập trắc nghiệm trong SGK.
Tại cuộc trao đổi, đại diện NXBGDVN cũng dẫn ra một số SGK bậc tiểu học ở các quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Singapore, Trung Quốc cũng có dạng bài tập điền vào chỗ trống như Việt Nam.
Mảng SGK: Lỗ khoảng 40 tỷ/năm
Liên quan đến vấn đề tài chính khi xuất bản SGK, ông Lê Hoàng Bách thông tin: Do chi phí đầu vào của việc in ấn SGK liên tục tăng, trong khi giá bán không thay đổi nên doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ. Mỗi năm NXBGDVN bù lỗ phát hành trên dưới 40 tỷ đồng. Tại “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXBGDVN” ngày 26/1/2018 của Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận kết quả kinh doanh mảng SGK năm 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng; mảng SGK năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng; mảng SGK năm 2017 lỗ 38,14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, số liệu tài chính mới nhất được gửi đến Cục Phát triển Doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT cách đây vài ngày thì NXBGDVN vẫn đang ăn nên làm ra. Năm 2017, sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận thuần của NXBGDVN tăng hơn gấp đôi năm 2016, đạt 145 tỷ đồng. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác gần 5,8 tỷ đồng, nhà xuất bản này ghi nhận có tới 150,8 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế (tăng gần 2,1 lần so với năm 2016). Lãi ròng năm 2017 theo đó tăng mạnh gấp 1,9 lần lên 139,8 tỷ đồng so với năm 2016. Với kết quả kinh doanh như trên, đến cuối 2017, NXBGDVN đang có khoảng 171,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Kế hoạch trong năm nay của đơn vị này là 1.180 tỷ đồng tổng doanh thu, doanh thu thuần đạt 1.130 tỷ đồng. Lãi trước thuế 82 tỷ đồng và lãi sau thuế 74,6 tỷ đồng.
Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong liên quan đến doanh thu và lợi nhuận phát hành mảng sách tham khảo, NXBGDVN vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, qua số liệu mà phóng viên Tiền Phong có được, năm 2017, NXBGDVN xuất bản ấn phẩm in tổng cộng là 270.417.085 cuốn. Trong đó sách và tài liệu dạng sách là 258.6060.807 bản. NXBGDVN cho biết, năm 2017 phát hành khoảng 110 triệu bản SGK, như vậy NXB này đã in ấn và phát hành ra thị trường khoảng trên 140 triệu cuốn sách tham khảo. Năm 2016, số lượng xuất bản phẩm tài liệu dạng sách còn lớn hơn.
Trả lời về việc, liệu NXBGDVN có giới thiệu sách tham khảo kèm với SGK xuống các địa phương không, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN cho biết : NXB chỉ phân phối SGK thông qua hệ thống kênh phát hành của mình là các công ty sách thiết bị trường học địa phương. Hàng năm, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục SGK từ lớp 1 đến lớp 12. NXBGDVN chỉ phát hành theo danh mục SGK đó. “Như vậy, NXBGDVN không giới thiệu một danh mục gồm SGK và sách tham khảo” - ông Hải khẳng định.
Một số câu hỏi của Tiền Phong chưa được NXBGDVN trả lời
- Việc điền, khoanh vào SGK ở một số nước chủ yếu áp dụng ở bậc học đầu tiên là tiểu học. Vậy vì sao ở Việt Nam, việc điền vào chỗ trống và làm bài tập vào SGK vẫn diễn ra tại các lớp THCS, thậm chí cả THPT?
- Vì sao mảng SGK lỗ tới 40 tỷ mỗi năm mà NXBGDVN vẫn chiết khấu lại cho các đơn vị phát hành ở mức tỷ lệ phần trăm lên tới 2 con số?
- SGK lỗ tức là bán dưới giá thành, vậy nếu tính đủ thì giá trung bình một cuốn SGK giá phải bao nhiêu? Ngoài số liệu kinh doanh lỗ mảng SGK trong 3 năm gần đây, những năm còn lại mảng SGK có bị lỗ?
- Mỗi năm, trung bình NXBGDVN bán ra thị trường tới hơn 100 triệu cuốn SGK và bị lỗ tới 40 tỷ mỗi năm, tuy nhiên tổng cộng vẫn lãi lớn, lương bình quân của CBCNV rất cao so với mặt bằng chung. Vậy xin hỏi, mỗi năm NXB bán ra thị trường bao nhiêu cuốn sách tham khảo, và lợi nhuận mảng sách tham khảo này ra sao?