Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Đừng bất chấp tuyển sinh!

Thứ ba - 15/08/2017 21:36
(Phapluat News) - Xung quanh thực trạng nhiều trường sư phạm cố tuyển sinh để "nuôi" bộ máy của trường bất chấp nhu cầu tuyển dụng của xã hội không cao, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nhà nước cần mạnh tay hơn trong việc siết chặt chỉ tiêu cũng như quy hoạch mạng lưới trường sư phạm.
Chỉ tiêu đại học, cao đẳng, trung cấp chính quy sư phạm các năm 2014 - 2017 BIỂU ĐỒ: VÕ BA, NGUỒN: BỘ GD-ĐT
Chỉ tiêu đại học, cao đẳng, trung cấp chính quy sư phạm các năm 2014 - 2017 BIỂU ĐỒ: VÕ BA, NGUỒN: BỘ GD-ĐT
Áp đặt chỉ tiêu đào tạo dựa trên nhu cầu tuyển dụng

Theo ông Nguyễn Văn Áng - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), ngành GD-ĐT cần giao chỉ tiêu đào tạo phù hợp với thực tế nhu cầu tuyển dụng. Căn cứ vào dự báo số trẻ trong độ tuổi tại từng địa phương của từng năm, số biến động cơ học (từ 3,8% đến hơn 4%), căn cứ vào đội ngũ hiện tại, sẽ hao hụt bao nhiêu do cán bộ, giáo viên về hưu, số hiện đang đào tạo thì tính ra ngay số lượng cần phải đào tạo thêm cho từng năm.
Vấn đề là điều này sẽ ảnh hưởng tới sự tồn tại của các trường sư phạm, đặc biệt là trường địa phương. “Phải dùng quyền lực nhà nước để mà làm. Thậm chí nhà nước cần phải chấp nhận bỏ tiền “nuôi” các trường, thay vì để các trường cố mà tuyển sinh nhằm có tiền nuôi nhau, nếu không muốn có hậu quả xã hội là sinh viên ra trường không có việc làm. Mình mất tiền để không đào tạo còn hơn là vẫn mất tiền mà để lại hậu quả. Bây giờ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mà quyết tâm áp đặt chỉ tiêu là các trường sẽ phải chịu, giống như các trường công an họ đã giảm chỉ tiêu năm nay chỉ còn một nửa so với năm ngoái”, ông Áng nói.
Theo GS-TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, nguyên tắc xác định chỉ tiêu của các trường hiện nay là dựa vào Thông tư 57, nghĩa là trên cơ sở năng lực đào tạo của các trường. Với các trường sư phạm địa phương thì chỉ tiêu này phải được UBND tỉnh/thành phê duyệt, trên cơ sở đó các tỉnh thành sẽ cấp ngân sách cho các trường. Nếu việc quyết định chỉ tiêu dựa vào nhu cầu tuyển dụng của các địa phương thì không thể có câu chuyện hàng loạt sinh viên sư phạm ra trường nhưng không được tuyển dụng.
Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Đừng bất chấp tuyển sinh! - ảnh 2

“Tất nhiên không có chuyện chỉ tiêu đào tạo khít với thực tế tuyển dụng, vì không có chuyện người học hoàn toàn ra đi từ xã huyện đó lại trở về xã huyện đó dạy học, mà là có việc di chuyển từ vùng này qua vùng kia. Nhưng việc dôi dư cũng chỉ ở một mức độ nào đó thôi chứ không phải như những năm qua”, ông Quang nói.

 
 
Nơi thừa, nơi thiếu
Theo số liệu Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 của các sở GD-ĐT hồi giữa tháng 1.2017 tại Hà Nội, một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp THCS nhiều như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096.
Trong khi đó, số giáo viên công lập còn thiếu nhiều nhất là ở mầm non. Các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195. Một số nơi lại thiếu nhiều giáo viên tiểu học như Hà Nội: 2.696, Sơn La: 1.133, Gia Lai: 1.196.
 
Ông Quang nhận xét thêm: “Vừa rồi Bộ GD-ĐT cũng có quyết liệt. Với riêng 8 trường sư phạm trọng điểm, Bộ đều yêu cầu giảm từ 10 đến 20% chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng chỉ tiêu ở các trường sư phạm địa phương vẫn nhiều. Chỉ tiêu của 8 trường sư phạm trọng điểm chỉ chiếm 1/3 tổng chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong cả nước”. Chẳng hạn trong 2 năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018, tổng số chỉ tiêu các trường sư phạm là 122.000, trong đó các trường sư phạm trung ương chỉ chiếm khoảng 1/3 (năm 2016 là 23.000/68.000), phần còn lại nằm ở các trường địa phương.
Phải chấp nhận đóng cửa nhiều trường
Ông Áng cho rằng việc áp đặt chỉ tiêu dựa trên nhu cầu tuyển dụng của địa phương phải đồng thời với việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.
“Cần phải phân định theo vùng, chứ không phải theo tỉnh. Có 7 vùng thì để lại số lượng trường tương ứng, còn các trường địa phương thì đóng cửa. Nhiều trường cứ vin vào chuyện đào tạo lại để làm cơ sở cho sự tồn tại của các trường địa phương. Trong khi đào tạo lại đâu chưa thấy mà chỉ thấy tuyển mới cho bằng được để có người học. Bây giờ, có thể theo mô hình Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường CĐ Sư phạm Hà Nam, biến Trường CĐ Sư phạm Hà Nam thành phân hiệu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Như thế thì bộ máy cũng gọn nhẹ hơn. Còn lại thì phải mạnh dạn dẹp bỏ chứ không còn cách nào cả. Đau một lần còn hơn là để như thế mà cứ tạo ra dư thừa nhức nhối như thế này”, ông Áng nói.
Còn ông Trịnh Văn Tâm, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết bây giờ mà bàn đến việc “tháo gỡ” để giúp cho trường sư phạm tuyển sinh được tốt hơn nghĩa là đẩy nhau vào chỗ… chết. “Tuyển sinh tốt hơn để đào tạo nhiều hơn, nhưng ra xã hội không dùng đến thì lại thành gánh nặng cho xã hội. Cho nên, vấn đề là quy hoạch đào tạo thế nào để đáp ứng nhu cầu của xã hội, thu hút nguồn lực chất lượng cao chứ không phải tháo gỡ cho các trường có người học”, ông Tâm đề xuất.
Ông Tâm cũng đồng ý nhà nước phải mạnh mẽ thể hiện vai trò “cầm trịch” trong việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm. Phải dự báo được nhu cầu tuyển dụng để lên kế hoạch chỉ tiêu đào tạo. “Các trường sư phạm phải hướng tới đào tạo cái xã hội cần, nên có các đơn đặt hàng cụ thể. Đây là cuộc chiến chất lượng nên sẽ chấp nhận những trường phải đóng cửa”.
 
 

 

mầm non

tiểu học

THCS

THPT

Thừa

0

3.194

21.005

2.551

Thiếu

32.641

7.824

2.799

1.974

 
Quy hoạch để đảm bảo cho sinh viên
Ông Phạm Hồng Quang cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT đang giao cho 2 trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TP.HCM nghiên cứu dự báo tuyển dụng giáo viên trong 5 - 10 năm tới, trên cơ sở kết quả phân tích đó mới xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuy nhiên, theo ông Quang cái khó là cơ chế quản lý hiện nay chưa thống nhất. Cả nước có hơn 100 trường tham gia đào tạo sư phạm nhưng Bộ GD-ĐT chỉ quản vài chục trường, còn lại là các trường địa phương, trong đó bao gồm các trường CĐ sư phạm, trường CĐ có đào tạo sư phạm, trường ĐH đa ngành nhưng đi lên từ các trường CĐ sư phạm nên đào tạo sư phạm là chủ yếu. Ngân sách dành cho đào tạo sư phạm tuy của nhà nước nhưng lại chia ra một ít cho Bộ GD-ĐT, phần lớn chia cho các địa phương.
“Vì đào tạo sư phạm hoàn toàn do ngân sách nhà nước nên cần có một sự quản lý thống nhất thì chất lượng đào tạo mới đảm bảo. Việc quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm cho sát với thực tiễn, sát với bối cảnh mới, với mục tiêu là đảm bảo chất lượng là yêu cầu cấp thiết. Làm sao xây dựng được mô hình đào tạo ngành sư phạm vừa chuẩn, vừa hiện đại, đảm bảo sắp xếp được việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Vì chúng ta dùng ngân sách nhà nước, nên sẽ khác với các ngành khác để cho thị trường lao động tự điều chỉnh”, ông Quang nhấn mạnh.

 

Tác giả bài viết: Quý Hiên - Trường Giang

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây