Đề xuất tăng một loạt sắc thuế của Bộ Tài chính đã gây phản ứng mạnh trong dư luận. Đa số ý kiến đều cho rằng tăng thuế sẽ khiến thuế chồng lên thuế, người nghèo thêm khổ và làm triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí ngày 30-8 liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, nói: “Tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) tác động không lớn đến chi tiêu hộ gia đình có thu nhập thấp”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng bài trả lời phỏng vấn của đại diện Bộ Tài chính.
Chúng tôi đang lắng nghe các ý kiến góp ý
. Sau khi Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…, dư luận đã phản ứng mạnh và không đồng tình. Vậy Bộ Tài chính có thay đổi quan điểm không, thưa ông?
+ Ông Phạm Đình Thi: Bộ Tài chính đưa ra đề xuất thay đổi một loạt chính sách thuế nhằm tái cơ cấu nguồn thu khi các điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có sự biến động. Một sắc thuế tăng lên hay giảm xuống đều tác động đến nền kinh tế, cho dù có về 0%.
Hiện chúng tôi đang lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện từ báo chí, chuyên gia kinh tế, người dân… về đề xuất tăng thuế vừa qua. Sau đó chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo lên lãnh đạo Bộ. Còn khi đang trong quá trình thăm dò, lấy ý kiến, tôi chưa thể đưa ra quan điểm chính thức.
. Người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đều có chung nhận định rằng tăng thuế VAT sẽ tác động mạnh đến hơn 90 triệu dân, nhất là người nghèo và thu nhập thấp. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Về lý thuyết, các loại thuế gián thu như VAT đều có tính lũy thoái (người thu nhập thấp hơn sẽ phải chịu gánh nặng thuế cao hơn so với người giàu khi điều chỉnh tăng thuế - PV). Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ còn phụ thuộc vào mặt hàng, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.
Để giảm bớt tính lũy thoái của thuế gián thu, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế VAT nhưng ở mức thuế suất ưu đãi (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp.
Tăng thuế sẽ khiến hàng loạt mặt hàng tăng theo và người dân có thể sẽ phải thắt lưng buộc bụng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT ở mức thuế suất ưu đãi 5%...
Tôi xin dẫn chứng, với hộ gia đình thu nhập 7 triệu đồng/tháng thì chi khoảng 3,5 triệu đồng cho hàng hóa lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục... thuộc đối tượng không chịu thuế VAT (đề xuất tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến khoản chi này); đối với các khoản chi còn lại cho hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% hay 10% là 3,5 triệu đồng. Như vậy khi tăng thuế VAT từ 10% lên 12% thì hộ gia đình phải trả thêm mỗi tháng cao nhất khoảng 70.000 đồng.
Như vậy việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% tác động không lớn đến chi tiêu hộ gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cùng với việc đề xuất tăng thuế VAT cần có những giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội.
Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế VAT đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì!?
. Có chuyên gia tính toán số thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam cao hơn các nước, thậm chí cao hơn cả các nước phát triển (năm 2016, tổng số thu thuế VAT chiếm 33% tổng thu thuế và 24% tổng thu ngân sách). Vậy tại sao lại còn đề nghị tăng thêm nữa?
+ Việc xác định tỉ trọng số thu VAT trong tổng thu ngân sách nhà nước phụ thuộc nhiều vào các yếu tố: Cơ cấu hệ thống thuế của các nước, mức độ điều tiết các sắc thuế, tổng mức động viên từ thuế...
Với một số nước châu Âu, dù thuế VAT cao nhưng tổng thu từ thuế VAT trên tổng thu ngân sách có thể thấp hơn hoặc tương đương Việt Nam. Tuy nhiên, tổng số thu từ thuế trên GDP cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Ví dụ như Đan Mạch, tỉ trọng thu VAT trên tổng thu thuế 19% nhưng tổng thu thuế trên GDP chiếm 49%; Đức cũng có mức tương tự 18% và 38%; Tây Ban Nha là 18% và 33%... Còn ở Việt Nam thì ở mức 24% và 21% trong năm 2016.
“Tăng thuế là thích hợp”
. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh chúng ta đang muốn thúc đẩy tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng mà Bộ Tài chính lại muốn tăng thuế VAT làm ảnh hưởng đến giá hàng hóa và giảm sức mua, tức đi ngược lại chủ trương kích cầu. Mặt khác, nếu giảm chi, quản lý thuế hiệu quả hơn, giảm thất thoát lãng phí, giảm bộ máy cồng kềnhkém hiệu quả… thì chưa cần tăng thuế, đẩy khó khăn về cho người dân. Ông nói sao về điều này?
+ Chỉ số lạm phát của Việt Nam đang ở mức kiểm soát, giá xăng dầu, sắt thép đang ở mức thấp. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu và trong xu hướng chung là tái cơ cấu nguồn thu và tăng dần tỉ trọng thuế gián thu khi thuế nhập khẩu giảm mạnh. Do vậy tăng thuế VAT vào năm 2019 là thích hợp.
. Không ít ý kiến thắc mắc tại sao Bộ Tài chính không đưa ra báo cáo đánh giá tác động một cách toàn diện và thấu đáo về hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi trong quản lý của việc tăng thuế trong khi vấn đề này tác động đến mọi người dân Việt Nam?
+ Theo quy định, mỗi nội dung sửa đổi của luật đều phải có đánh giá tác động, trong đó thể hiện rõ tác động đến sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, lạm phát, ngân sách... Hiện Bộ Tài chính đã có đánh giá tác động về dự án sửa đổi năm luật thuế.
Tuy nhiên, do giá chi phí đầu vào luôn biến động, thuế nhập khẩu cắt giảm theo cam kết nên để thận trọng và có đánh giá khách quan, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới để có phân tích, đánh giá chi tiết vấn đề này.
. Dư luận phản ứng kịch liệt trước việc Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với cả trà, cà phê đóng gói… vì đây là những mặt hàng bình dân, không phải là hàng xa xỉ?
+ Đồ uống có đường là nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng cân, béo phì và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (tim mạch, tiểu đường)…
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước ngọt gồm loại có gas, không gas, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp (trừ nước trái cây, rau quả có 100% tự nhiên) là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
. Xin cám ơn ông.
Thủ tướng: Chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí Ngày 30-8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu, rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn của tài chính. Trong đó, quyết liệt chống thất thu, gian lận, nợ đọng thuế, chống lạm thu, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta; giảm mạnh chi thường xuyên với nhiều hình thức tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi… “Các đồng chí quan tâm để đồng tiền, hạt gạo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực” - Thủ tướng nêu rõ. |
Tác giả bài viết: TRÀ PHƯƠNG thực hiện
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn