LTS:Công tác cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Như Bác Hồ từng chỉ ra “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, Tuần Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả loạt bài xoay quanh vấn đề được rất nhiều người quan tâm này.
Cuối năm 2018, Ban Bí thư Trung ương đã họp, cho ý kiến về việc ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc tập trung vào khâu kết nạp Đảng, giáo dục, rèn luyện, sàng lọc, xử lý cán bộ đảng viên, chống cho được tình trạng suy thoái hiện nay, khắc phục tình trạng “đông nhưng không mạnh”, “hữu danh vô thực”.
Cách đây gần một thế kỷ, trong bài viết “Thà ít mà tốt” đăng tải trên tờ Pravda, Lê-nin nói rằng “Đảng viên hữu danh vô thực” thì cho không cũng không cần.
Còn 25 năm trước, trong cuốn sách nhỏ Văn hóa và đổi mới, Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Cố vấn BCH Trung ương Đảng cũng đã thổ lộ tâm sự về tình trạng của Đảng ta lúc bấy giờ là đảng viên nhiều mà không mạnh; đảng viên thì nhan nhản, cộng sản thì vắng bóng. Hồi đó, bên ngoài xã hội cũng có một số ý kiến dị nghị về nhận xét này của ông, cho rằng nhận xét hơi quá, không phản ánh đúng sự thật.
Cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Một thời gian ngắn sau đó, trên Tạp chí Cộng sản số 2/1995, ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã giới thiệu cuốn sách nói trên bằng bài viết “Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa”. Bài báo của ông có đoạn viết: “Nhân tố hàng đầu quyết định tính định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hiện nay, sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, tính tiền phong gương mẫu (cả về trí tuệ và phẩm chất) của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng”. Nhận xét này rất nhất quán và phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước ta.
Tình trạng đảng viên đông mà tổ chức đảng không mạnh có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý trong nhận xét, phân loại đảng viên từ chi bộ đảng. Nhiều người không xứng đáng là đảng viên, thậm chí vi phạm kỷ luật của Đảng như bỏ sinh hoạt nhiều lần liên tục không có lý do chính đáng; có những đảng viên cả năm không liên hệ với cấp ủy nơi cư trú, không gắn bó với quần chúng, nhân dân... nhưng vẫn được chiếu cố không khai trừ mà chỉ bị xếp loại là “đảng viên trừ”, tức là có yếu kém một vài mặt công tác nào đó.
Ngoài đảng viên trừ, thì còn một kiểu được gọi là “đảng viên sạch”. Nhưng “đảng viên sạch” hoàn toàn không đồng nhất với “đảng viên trong sạch”. Trong cách gọi của Đảng, “trong sạch” bao giờ cũng đi liền với “vững mạnh” chứ không bao giờ trong sạch chung chung. Các văn kiện của Đảng bao giờ cũng gắn bó các cặp mệnh đề với nhau như: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...” hoặc, “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh...”.
Những “đảng viên sạch” này không tham nhũng (có thể do không có điều kiện tham nhũng), không lãng phí do cũng không nắm giữ vị trí để mà có điều kiện lãng phí, không phiền hà, nhũng nhiễu, không nhận quà cáp, biếu xén, do không phải đối tượng có chức, có quyền để gây phiền hà, nhận quà cáp của người khác.
Người ta tưởng những đảng viên như thế là tốt, là quý cho Đảng rồi. Nhưng với tư cách của một đảng viên, một cán bộ cách mạng, trước quần chúng, nhân dân thì nếu chỉ như thế cũng chưa thật sự xứng đáng danh hiệu cũng như lời thề trước khi vào Đảng.
Đã là đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, cương quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ cái đúng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nhưng cũng không nương tay, gượng nhẹ, bỏ qua, im lặng trước những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong xã hội hoặc thờ ơ, vô cảm trước cái ác, cái xấu ở đời... Trong khi những “đảng viên sạch” này thấy cái tốt, cái đẹp, cái thiện không lên tiếng cổ vũ, ủng hộ, ra tay bảo vệ, thấy người xấu, việc xấu không dám tỏ thái độ lên án, cương quyết đấu tranh loại bỏ.
Những “đảng viên sạch” như vậy liệu có tác dụng gì góp phần nâng nêu gương, cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một tổ chức đảng? Đảng mà toàn những “đảng viên sạch” như vậy, liệu có đủ khả năng lãnh đạo, dân tộc, đất nước?
Trong các vị thuốc trong các bài thuốc dân gian nước ta có một vị thuốc được gọi với cái tên hoa mỹ là hoài sơn, dân gian gọi là gọi là củ mài. Củ mài có vị man mát, bô bổ. Nếu dùng đơn độc chỉ một vị hoài sơn thì tác dụng chữa bệnh rất kém, thành ra người ta bảo trong các vị thuốc có vị hoài sơn thì cũng tốt, không có thì cũng không sao.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có người gọi những “đảng viên trừ” hay “đảng viên sạch” giống như củ mài trong vị thuốc Nam vậy.
Do vậy, ngoài một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất, tự chuyển hóa, tự diễn biến như nghị quyết của Đảng đã chỉ ra, thì để cho Đảng trong sạch vững mạnh việc có công cụ để đo đếm, thanh lọc những “đảng viên trừ”, “đảng viên sạch” là quan trọng và cần thiết để đội ngũ đảng viên của đảng dù ít nhưng mà tốt.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn