Cán bộ hành xử thiếu chuẩn mực, dân có thể chấm điểm 0, công khai trên mạng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông về kênh tương tác giữa Chính phủ và người dân.
Bức xúc ở đâu cũng được phản ánh
Thưa Bộ trưởng, một trong nỗ lực quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động là việc tạo ra kênh tiếp nhận thông tin tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, người dân. Quy trình xử lý thông tin này được tiến hành thế nào?
Ngày 18/6/2016, khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng nói vì kiến nghị của dân và doanh nghiệp là rất cần thông tin minh bạch, nên tinh thần chỉ đạo là phải minh bạch.
Vì không có gì kiểm soát quyền lực hiệu quả bằng cách minh bạch thông tin cho báo chí và người dân giám sát.
Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng chỉ đạo thành lập website, giao trực tiếp cho Chủ nhiệm VPCP đứng tên website đó để kết nối Chính phủ với doanh nghiệp và người dân. Đến 1/10/2016, trang website Chính phủ tương tác với doanh nghiệp ra đời.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Tính đến 15/8/2017 đã tiếp nhận 995 ý kiến, đã chuyển xử lý 782 ý kiến, trong số đó đã có 646 ý kiến (đạt 82,6%) được xử lý, còn 136 ý kiến đang chờ các bộ, ngành, cơ quan địa phương trả lời.
Theo công văn chỉ đạo của Thủ tướng, khi tiếp nhận các ý kiến mà VPCP chuyển đến, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, coi đó chính là nhiệm vụ Thủ tướng giao.
Trả lời phải thẳng thắn, sau đó người dân sẽ đánh giá phần trả lời ấy công khai. Quan trọng hơn, tất cả văn bản trả lời đều được đăng tải công khai trên mạng, và văn bản ấy được coi như là cơ sở, tài liệu rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể cầm đến liên hệ với các cơ quan, các địa phương để xem xét, giải quyết như một văn bản gốc.
Khi tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, VPCP có đầu mối cấp Vụ làm nhiệm vụ sàng lọc, sau đó trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP ký văn bản gửi đến các cơ quan liên quan.
Về tương tác với người dân chậm hơn một nhịp. Sau khi có kinh nghiệm kết nối, tương tác với doanh nghiệp, ngày 3/4/2017, VPCP chính thức mở website Chính phủ với người dân.
Trên kênh tương tác có phần để dân thể hiện sự hài lòng của mình, người dân có thể chấm điểm 0 đối với cán bộ, lãnh đạo làm việc thiếu chuẩn mực, và tất cả thông tin này đều được công khai trên mạng, ai cũng có thể truy cập được.
Nếu cứ né tránh, sợ hãi thì không làm được gì
Trong quá trình chỉ đạo xử lý tiếp nhận phản ánh của người dân, có trường hợp nào khiến Bộ trưởng trăn trở, suy nghĩ?
Rất nhiều trường hợp gia đình chính sách, có những gia đình có người tham gia cống hiến, mất đi một phần xương máu, thậm chí có người không thể trở về, hay có những trường hợp phải chịu di chứng chất độc da cam, từng là thanh niên xung phong nhưng khi trở về thì không được hưởng chế độ đãi ngộ gì.
Cơ chế lại đưa ra hàng chục điều kiện, xét đến đều không thể đủ được, họ rất khổ tâm.
Những phản ánh đó chuyển đến Thủ tướng và Thủ tướng đều chỉ đạo luôn là cần xem xét lại, đánh giá thực chất vấn đề để những cái chính đáng của họ phải giải quyết ngay.
Rồi một số người dân có những đóng góp, sáng kiến gửi đến cũng đều được tiếp thu rất đầy đủ. Có thể nói, bức xúc của người dân ở “bìa rừng góc biển” cũng có thể được phản ánh tới Chính phủ.
Có những trường hợp từ phản ánh của dân gửi đến, mà cán bộ công chức bị kỷ luật cách chức, luân chuyển công tác.
Việc công khai xử lý cán bộ ở một số đơn vị đã tạo ra hiệu ứng rất tốt, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt từ các cấp bên dưới.
Xử lý minh bạch, không có vùng cấm |
Việc chỉ đạo, đôn đốc chúng ta đã làm rất tốt, nhưng chế tài xử lý trách nhiệm sau đó thế nào, hay lại để tình trạng “trên nóng - dưới lạnh”, thưa Bộ trưởng?
Đúng là chế tài hiện nay đang thiếu, nó liên quan đến trách nhiệm của đơn vị, địa phương được giao theo chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngay công văn chỉ đạo của Thủ tướng đã quy định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nếu đơn vị đó không thực hiện được thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.
Tuy nhiên, nói thật là chế tài xử lý kỷ luật hay không trong việc chậm trả lời, chậm giải quyết còn chưa rõ, vì còn nhiều quy định khác nhau, chủ yếu mới chỉ xử lý bằng những mệnh lệnh hành chính, bằng phê bình, nhắc nhở.
Còn vì việc chậm trả lời mà xem xét trách nhiệm bằng cách cách chức hay thôi việc thì chưa đến mức như thế, vì nó còn liên quan đến các Nghị định về tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức và nhiều các ràng buộc khác nữa.
Tuy nhiên, dù mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, phê bình, nhưng do toàn bộ việc này được công khai lên mạng nên đối với các bộ, ngành, địa phương trì trệ mà bị công khai phê bình như thế, người đứng đầu ở những nơi ấy cũng hết sức suy nghĩ.
Để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang tồn tại, cộng với lợi ích cục bộ làm cho tắc nghẽn định hướng mạnh mẽ của Chính phủ, thì kiểm tra cũng chỉ là một giải pháp chứ không phải giải pháp căn cơ.
Căn cơ là phải rà soát, xây dựng thể chế, có quy định trách nhiệm người đứng đầu, tạo ra sự phân cấp rõ rệt, cộng với việc xử lý nghiêm túc, khách quan, nếu tốt thì khen, không tốt thì nhắc nhở, sai phạm đến mức xử lý kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật.
Thưa Bộ trưởng, việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu có thực sự nghiêm khi nhiều vấn đề bất cập chưa làm rõ được trách nhiệm. Có thể thấy rất nhiều việc được đẩy lên Thủ tướng, trong khi lẽ ra việc đó hoàn toàn có thể giải quyết được trong thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương?
Đúng là thực tế vẫn còn tình trạng đẩy việc lên Thủ tướng, để chấm dứt cần có quá trình vì nó liên quan đến thể chế.
Các văn bản luật, pháp lệnh hay hướng dẫn thi hành có rất nhiều, nhưng phải hoàn thiện từng bước, để sau đó hoàn thiện thể chế.
Đặc biệt, cần chú ý đến vấn đề phân cấp, phân quyền, chức năng nhiệm vụ anh được làm và không được làm gì.
Cái này biết rõ là bất cập, nhưng với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành thì chắc chắn chúng ta sẽ sắp xếp được việc này.
Thực tế hiện nay, các văn bản gửi lên Chính phủ, Thủ tướng đã giảm rất nhiều. Thời kỳ đầu quyết tâm đã giảm 30% văn bản gửi lên Thủ tướng, cũng không đẩy việc lên trên mà làm ngay từ văn phòng, làm theo phân cấp.
Trách nhiệm của Bộ thì Bộ phải làm, của địa phương thì địa phương phải làm, nhưng việc này phải kiểm tra giám sát chứ không phải đẩy việc đi cho xong.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
|
Nguồn tin: Theo Giao Thông::
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn