Chiều 9/6, giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết dù đã nhiều nỗ lực nhưng tình hình khiếu kiện của công dân có diễn biến rất phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh Miền Trung, nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Ảnh: Quochoi.vn |
Tống Thanh tra Chính phủ cho rằng nguyên nhân chủ yếu ở chính sách, pháp luật về đất đai công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn yếu kém; quá trình quản lý và chuyển đổi mô hình chợ ở các địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, trách nhiệm cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật…
Ông Sáu cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tập trung giải quyết những vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng ...
“Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người, vượt cấp; tăng cường kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo”, ông Sáu nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh: Quochoi.vn |
Ngay sau phần giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) giơ biển đăng ký tranh luận.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay tính từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV tới nay, ông đã giám sát các hoạt động của Thanh tra Chính phủ và thấy rằng đơn vị này "thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng trong chương trình giám sát ông ghi vào bảng hàng ngày hiện có 3 vụ nổi cộm. Một là vụ Công ty Cổ phần đầu tư Kim khí Hải Phòng kêu cứu từ năm 2015, do thành phố phê duyệt đề án làm bến xe Thượng Lý theo đề án xã hội hóa bến xe Tam Bảo nhưng sau đó thành phố lờ đi không thực hiện đề án. Thứ 2 là việc tố cáo tham nhũng cổ phần hòa của Tổng Công ty vận tải thủy thuộc Bộ GTVT.
Với hai vụ việc trên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi với Thanh tra Chính phủ: "Tôi không biết là các đồng chí ngâm vụ này đến bao giờ?"
Nhắc lại vụ việc Đồng Tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết khi lực lượng chức năng vào áp đảo người dân và đã bị bà con giữ lại 38 người.
Theo đại biểu Nhưỡng nguyên nhân sâu xa của vụ việc vì câu chuyện giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp dân không đến nơi đến chốn. Cuối cùng Chủ tịch UBND Hà Nội đã vào giải quyết và Hà Nội ra quyết định thanh tra toàn bộ đất đai Sân bay Miếu Môn.
"Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng an ninh nhưng tôi chưa thấy Thanh tra Chính phủ có ý kiến về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng lẽ ra Tổng thanh tra Chính phủ phải tham mưu để Chính phủ vào cuộc. Và ở chỗ này đồng chí không cho rằng một trong những nguyên nhân vụ việc ở Đồng Tâm thuộc về hệ thống thanh tra", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề..
Tranh luận lại với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vụ việc ở Đồng Tâm, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng không có chuyện lực lượng cảnh sát áp đảo người dân ở Đồng Tâm và đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng rút lại lời phát biểu.
Ngay sau đó đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển để đăng ký tranh luận lại. Tuy nhiên tới 17h44, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay đã có 43 đại biểu Quốc hội phát biểu.
Do thời gian thảo luận chỉ còn hơn 40 phút nên các đại biểu sẽ phát biểu trong vòng 5 phút thay vì 7 phút như quy định. Cũng do eo hẹp về thời gian nên sẽ không có đại biểu tranh luận tại nghị trường.
Tác giả bài viết: Công Khanh - Thắng Quang
Nguồn tin: news.zing.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn