Có cần còng tay bị cáo trước tòa?

Thứ bảy - 13/01/2018 22:23
(Một thế giới) - Các chuyên gia pháp lý nhận định cần hạn chế còng tay hoặc cho bị cáo mặc đồng phục khi ra trước tòa nhằm nâng cao quyền con người theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay
Có cần còng tay bị cáo trước tòa?

 

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành tòa án năm 2018 vừa diễn ra đã nhấn mạnh sẽ dừng tổ chức xét xử lưu động trong năm nay.

Người thân suy sụp

Theo ông Trương Hòa Bình, nhiều vụ án đã được TAND các cấp đưa ra xét xử lưu động là những vụ án liên quan đến an ninh trật tự, mua bán ma túy số lượng lớn, cướp tài sản, giết người gây phẫn nộ trong dư luận…

Không thể phủ nhận việc xử lưu động đã giúp cho các cơ quan tố tụng tuyên truyền hiệu quả những quy định pháp luật đến đông đảo người dân trong cộng đồng; giáo dục và răn đe nhiều người... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì việc xét xử lưu động đã khiến tâm lý của người thân bị cáo bị ảnh hưởng, nhiều người suy sụp khi họ không phải là người thực hiện hành vi phạm tội nhưng phải chịu sự miệt thị của cộng đồng. Thậm chí, nhiều người thân của các phạm nhân trọng án bị xa lánh, xúc phạm thậm tệ.

Có cần còng tay bị cáo trước tòa? - Ảnh 1.

Một phiên tòa không có vành móng ngựa tại TAND tỉnh Trà Vinh

Những người bị đưa ra xét xử lưu động cũng có tâm lý mặc cảm, khi chấp hành xong bản án trở về cộng đồng họ cũng e dè và khó làm lại cuộc đời. Cũng có không ít trường hợp con của bị cáo phải nghỉ học, lập nghiệp ở một nơi khác vì không chịu được dư luận xã hội khi cha, mẹ bị kết án.

Luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An), viện dẫn ngày nay mạng internet đã phổ biến, những quy định pháp luật được các cơ quan tố tụng đăng tải trên từng cổng thông tin điện tử nên người dân tìm hiểu không khó. Rất nhiều công ty luật đã tổ chức tư vấn miễn phí; hệ thống hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người nghèo cũng rộng khắp nên giúp ích rất nhiều cho người dân tiếp cận các thông tin pháp luật. Vì thế, không nhất thiết phải tổ chức những phiên tòa lưu động.

Chưa có bản án là chưa có tội

Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an - cho biết Chánh án TAND Tối cao vừa ký ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đây là cải cách đột phá, mang tính nhân văn, đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội và phù hợp với quy định không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Cùng ý nghĩ này, luật sư Huỳnh Công Thư nhấn mạnh Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người, khi ra tòa, bị cáo không mặc đồ như còn ở trong trại và không được còng tay bị cáo. Việt Nam đã tham gia công ước quyền con người và hiến pháp đã quy định thì chúng ta cần chấm dứt việc này. Ngay cả vành móng ngựa được thay thế bằng bục khai báo, không tổ chức xử lưu động thì việc mặc "đồng phục" một màu khi ra tòa cũng cần phải được bãi bỏ.

Đưa ra ý kiến khác, TS - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng việc còng tay các bị cáo khi dẫn giải là để bảo đảm các bị cáo không thể thực hiện hành vi chống cự, bỏ chạy... theo Quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa ban hành kèm theo Quyết định số 810/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của chủ tọa phiên tòa.

Theo xu thế tố tụng và tư pháp hình sự của các nước tiên tiến, việc còng tay, xích chân bị cáo trong quá trình dẫn giải tới phiên tòa ngày càng được xóa bỏ, thay vào đó là những biện pháp bảo vệ an ninh khác phù hợp với nhân quyền hơn. "Chúng ta cũng nên xem lại và linh hoạt hơn đối với việc còng tay, xích chân bị cáo khi dẫn giải đến tòa án để thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong xét xử, nhất là đối với các loại tội phạm mà tính chất nguy hiểm không cao (tội phạm kinh tế, tội phạm chưa thành niên, đối với các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn cao trước khi phạm tội...)" - TS - luật sư Thế Trạch nói. 

Không còn áo tù khi ra tòa

Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng dù bỏ "vành móng ngựa", "áo tù" nhưng không quy định về "đồng phục" của bị can, bị cáo. Các bị can, bị cáo đều được tự do lựa chọn quần áo khi đến tòa, không có quy định bắt buộc. Đồng phục bị can, bị cáo mặc ra tòa không thể xem là áo tù vì đã có quy định rất rõ ràng. "Việc các bị cáo trong vụ xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm hay trong vụ Phạm Công Danh và đồng phạm khi ra tòa đều mặc "đồng phục" áo xanh có thể đó là sự trùng hợp" - Thiếu tướng Trần Thế Quân nhận định.

 

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao:

Tùy từng trường hợp tháo còng cho bị cáo

Việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn về tinh thần cải cách tư pháp.

Đối với việc còng tay bị cáo khi áp giải và tại phiên tòa đã được Bộ Công an quy định rõ. Tại phòng xử, người quyết định có tháo còng cho bị cáo hay không là chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa sẽ xem xét về hành vi của bị cáo đó ở mức độ nào, có nghiêm trọng hay không, thái độ bị cáo như thế nào... sẽ quyết định tháo còng cho bị cáo trong quá trình xét xử. Thông thường, đối với những hành vi vô ý hay những vụ việc xét xử bị cáo phạm tội không nghiêm trọng sẽ được tháo còng khi trả lời hội đồng xét xử. Một số trường hợp bị cáo còn còng cả chân nếu có hành vi hung hãn, gây nguy hiểm tại phiên tòa.

Trong trường hợp áp giải từ xe chở phạm nhân vào phòng xử, việc còng tay bị cáo thuộc hoàn toàn quyền của lực lượng cảnh sát tư pháp. Tháo còng cho bị cáo khi dẫn giải hay không thì người chỉ huy cao nhất tại thời điểm đó quyết định. Đối với trường hợp ông Đinh La Thăng bị còng tay khi dẫn giải vào phòng xử ở phiên tòa đang diễn ra khiến nhiều người băn khoăn, theo tôi việc này đã nằm trong quy định, lực lượng cảnh sát buộc phải thực thi, tuy nhiên cũng có thể xem xét trong từng trường hợp cụ thể.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội:

Luật sư đề nghị nhưng chủ tọa không chấp thuận

Theo tinh thần cải cách tư pháp, chúng ta đã bỏ được vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án, bỏ được áo tù thì tại sao chúng ta không xem xét bỏ còng số 8 khi dẫn giải bị cáo cũng như trong quá trình xét xử. Tôi đã từng chứng kiến nhiều phiên tòa xét xử, người thân không dám đến tòa vì ám ảnh khi nhìn thấy bị cáo bị còng tay, thậm chí là xích chân. Như vậy có nhân văn không? Chúng ta hoàn toàn có thể xem xét để bỏ còng tay đối với bị cáo trong một phiên tòa.

Vận dụng nguyên tắc "Suy đoán vô tội " và "Giả định phạm tội" thì không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án. Việc bỏ vành móng ngựa có tính nhân văn sâu sắc cũng như không tạo áp lực cho HĐXX cũng như bị cáo, người tham gia tố tụng khác, cho nên việc bỏ còng tay các bị cáo khi xét xử là hoàn toàn có thể thực hiện.

Trong một số phiên xét xử, chúng tôi với vai trò là người bào chữa cho thân chủ đã đề nghị chủ tọa phiên tòa xem xét tháo còng tay cho các bị cáo trong quá trình xét xử nhưng không được chấp thuận. Nhiều thẩm phán vẫn quá "nguyên tắc" trong vấn đề này. Việc bị cáo bị còng tay trong quá trình xét xử, tôi cho rằng không tạo ra được không khí "tranh tụng" tại một phiên tòa.

Nguồn tin: Một thế giới:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây