Chồng thích cá vợ thích thịt, hôn nhân cần ở bạn điều gì?

Thứ sáu - 20/09/2019 03:18
Trong một bài viết, Vivian Okojie - một phụ nữ trẻ - kể lại việc mình từng ở cùng phòng với mấy phụ nữ khác màu da suốt một tháng.
Chồng thích cá vợ thích thịt, hôn nhân cần ở bạn điều gì?
Chồng thích cá vợ thích thịt, hôn nhân cần ở bạn điều gì? - Ảnh 1.
 

Cô kết luận: đây là một trải nghiệm mà còn sống ngày nào cô còn nhớ ngày đó! Trước khi đến đây, cô đã biết việc một đám phụ nữ (mà lại còn khác màu da) sống chung cùng một nơi là không tránh khỏi ỏm tỏi và bực bội. Thế nhưng họ đã "sống sót" bình an và vui vẻ.

Theo Vivian, "phép lạ" chính là sự nhường nhịn, bao dung người khác. Họ biết nhau có những thói xấu nhưng thôi không làm um lên, kệ đi, dần dần tự đối tượng sẽ hiểu ra mà thay đổi. Nhưng ta có thể tưởng tượng ra cô nào trong đám đó chắc cũng đang nghĩ: "Ta sẽ không gặp (chúng) nó nữa! Nhịn đi cho rồi!".

Người viết kết luận trong hôn nhân cũng thế thôi: cứ biết bao dung là mọi việc sẽ ổn. Nhưng câu chuyện của Vivian có lẽ diễn ra tại một khóa trại, với thời gian đã hạn định (một tháng). Còn hôn nhân? Đó là một sự kết hợp mà ban đầu ai cũng mong là đằng đẵng, và sau một thời gian có thể một bên (hoặc thậm chí hai bên) không mong đằng đẵng nữa thì lại có những thứ gắn họ với nhau, khiến thời gian như sẽ phải "chung thân". 

Trong tâm lý vĩnh viễn đó, bao dung và nhường nhịn tưởng là điều người ta sẽ dễ dàng làm, hóa ra lại không phải.

Cái giá của sự kết hợp

"Thế sao hồi ấy mẹ lấy bố (hay ngược lại bố lấy mẹ)?" là câu hỏi điển hình mà những đứa con vào tuổi đã biết cãi hỏi vặn lại các phụ huynh đang lục đục.

Có rất nhiều lý do để người ta cưới nhau. Có những tình yêu phải vượt qua khó khăn, thử thách. Có những chuyện hỡi ôi trên trời rơi xuống. Ở tuổi thanh niên, người ta bị thúc giục từ gia đình, từ xã hội, từ chính bản thân - một sự thúc giục "phải như người khác". Người ta tuy trẻ nhưng mắt lại mờ, thấy con voi có cặp ngà hay hay mà không nghĩ đến những rắc rối khi toàn thân nó về nhà.

Bằng đa dạng lý do, người ta kết hợp lại trong một đám cưới, với một niềm tin tưởng mãnh liệt sẽ là "mãi mãi" cộng một thái độ bất cần "không được nữa thì bỏ", đều là hai trạng thái không dễ đạt, nếu không nói là gần như bất khả, trong hôn nhân.

Lấy nhau ở tuổi thanh niên, khi mà cá tính còn nông nổi, thậm chí các nét trên mặt có khi còn chưa ổn định. Một chị bạn trung niên kể chuyện chồng chị giờ quá khác so với ngày mới yêu nhau. 

Trong lúc chị đang thao thao, có con chó con tai cụp ngây thơ lũn cũn bước ra. Chị chỉ vào con chó, minh họa: "Đấy, người ta đến với nhau phần lớn là trong giai đoạn chó con thế này, tai còn cụp, tính còn đáng yêu và cứ tưởng là thế mãi. Rồi lấy về ít lâu tai vểnh lên, mõm nhọn ra, ăn tham và đào đất…".

Chung con đường lớn nhưng khó chung việc nhỏ

Khi hai cá thể khác nhau và đang còn "tiến hóa" kết hợp lại, tạo ra một đơn vị xã hội mới, tài sản mới, trừ những thay đổi quá tàn bạo so với lúc yêu nhau (bài bạc, rượu chè nặng, phản bội, hung hãn, lừa đảo), còn thì người ta sẽ cố gắng vượt qua những khác biệt khó chịu của người kia để đi cho trọn vẹn hôn nhân. Chẳng ai muốn bị cho rằng mình đã chọn sai. Từ "bao dung" ở đây xin chỉ dùng cho những việc nho nhỏ hoặc vừa vừa.

Tây khác ta. Tờ Womenzmag kể ra một số ví dụ khiến vợ chồng Tây khó chịu với nhau, nhiều khi nhỏ nhặt đến không ngờ mà tích tụ lâu ngày thành chuyện to. Thí dụ: dùng kem đánh răng xong không đậy nắp / Uống nước tu thẳng từ chai / Lái xe quá nhanh hoặc quá chậm / Việc nhà nấn ná nhắc không chịu làm…

Trong khi đó, một cặp vợ chồng Việt thường sẽ bực nhau ở những việc sau: Nói quá dai / Quá keo kiệt / Nói dối vặt / Thích la cà nhậu nhẹt / Lười, thiếu ý chí…

Xét cho cùng, không ai hoàn hảo. Những bậc phụ huynh từng trải sẽ khuyên con "bỏ qua" những điều có thể sửa. Để có được sự bao dung này, dĩ nhiên cũng cần phải học và rèn luyện.

Học bao dung

Theo các chuyên gia, bao dung không những giúp củng cố hôn nhân nhiều lúc đã như răng bà lão, mà còn giúp người ta yên vui với bức tranh lớn của gia đình, của tình cảm thay vì sa vào tức giận các chi tiết nhỏ.

Chồng thích ăn cá và vợ chỉ ăn thịt. Chồng chỉ thích lạnh nhưng vợ không chịu được điều hòa… Ai cũng muốn người kia nhường mình. Ai cũng hi vọng việc mình nhường nhịn sẽ khiến người kia có lúc tỉnh ra, điều chỉnh lại. Một sự nhường nhịn có điều kiện như thế không thể gọi là bao dung.

Bao dung và vun đắp là tự nhủ rằng mọi việc phải từ từ, mình cứ lo làm tốt phần mình, không ăn miếng trả miếng; hiểu rằng bao dung không phải là thỏa hiệp với cái xấu, mà là cho nó một thời gian, cố nghĩ vào địa vị người kia, cố nhịn một câu vào lúc tức tối vì lời nói như con chim, thả ra lúc nào cũng được, bay rồi không thể chụp lại.

Một cuộc hôn nhân thành công là cả hai về sau "biết tính" nhau, "không chấp" nhau. Theo tờ Womenzmag, hôn nhân thành công là ai cũng có quyền có ý kiến, nhưng gặp chuyện nhỏ thì đừng khăng khăng đấu cho bằng được, cũng không phải là nén lại trong lòng đợi dịp trả thù.

Tóm lại, bao dung chỉ có thể tồn tại ở những cặp vợ chồng còn muốn giữ nhau. Nếu không còn tình cảm, sẽ chỉ còn những cuộc đối đầu của các khác biệt. Người này ngầm trách người kia ích kỷ, không biết nhường mình. Đến mức độ đó, khi mỗi người không thèm đẹp lên trong mắt người kia nữa, kể cũng không nên tiếp tục cuộc hôn nhân.

Một giải pháp dung hòa

Bàn về bao dung, một bài báo dẫn lại lời khuyên khá cứng rắn của chuyên gia tâm lý Henry Cloud: "Trong một thế giới bất toàn, sự không hoàn hảo sẽ luôn luôn săn lùng bạn. Nếu bao dung nó, bạn chắc chắn thấy mình có thể chịu được hết. Những việc khó chịu cứ thế tìm ra mức độ bạn cho phép chúng len vào đời bạn, đặc biệt là trong hôn nhân". Nói cách khác, được đằng chân lân đằng đầu, bao dung là cho con sói thò chân, rồi thò cả thân vào nhà cừu.

Cứng rắn đấy, nhưng nó cũng có cái lý của nỏ. Thế thì ta phải làm sao? Bao dung hay không bao dung để duy trì hôn nhân? Đấu tranh đến cùng với cái chưa tốt hay cố nghĩ đó chỉ là một vết xước nhỏ trên tấm thảm to đẹp mà bỏ qua?

Để không tự mình khinh mình nhu nhược, theo các chuyên gia, thay vì tập trung vào việc bao dung cho hành vi xấu, hãy tập trung vào điều quan trọng hơn: đó là giá trị mà hôn nhân này theo đuổi.

Thí dụ cụ thể họ đưa ra:

- Hành vi xấu: Tôi không thích thói đủng đỉnh, rề rà của vợ tôi. Trong mọi việc cô ấy đều làm tôi sốt ruột đến mức như trêu tức.

- Giá trị cần tôn trọng: Chúng tôi đều phải biết thời gian mình sống trên đời không nhiều, lấy nhau là để cùng hoàn tất mục tiêu của đời người. Để được thế cần biết quý thời gian.

- Giải pháp dung hòa: Thống nhất với nhau về giá trị chung này. Vợ tôi điều chỉnh tác phong cho nhanh hơn. Phần tôi phải biết nghĩ nhanh chậm cũng là đặc tính của mỗi người, không thể sửa hết được. Quan trọng là tôi thấy vợ vì tôi mà nhanh lên, vợ thì thấy tôi vì vợ mà kiên nhẫn hơn.

Với mô hình này, bạn có thể áp dụng vào các cặp "thói xấu đối lập với giá trị" khác nhau, thí dụ: tiêu hoang đối lập với gầy dựng tài sản, lăng nhăng đối lập với trung thực và tôn trọng nhau…

Một tác giả đề nghị mỗi cuộc hôn nhân đều phải chọn ra cho mình một vài giá trị làm bản sắc riêng. Có cặp chọn "tự do trong tôn trọng" làm từ khóa. Có cặp chọn "tình yêu" làm từ khóa. Có cặp lại chọn "một tình bạn lớn" để phấn đấu. Lấy một con người là để cùng nhau hiện thực hóa "từ khóa" ấy. 

Theo trường phái dung hòa này, bạn sẽ tuyệt đối không bao dung cho những thói xấu nào cứng đầu, phá hỏng cái giá trị mà hai người đã cam kết theo đuổi. Bạn chỉ bao dung những vấp váp do chưa hiểu nhau và chỉ nên kiên nhẫn khi vợ/chồng bạn vẫn đang theo đuổi cùng một giá trị với bạn, như lúc mới lấy nhau về!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây