Cha mẹ bán hết trâu bò cho con đi học để ra trường… thất nghiệp

Thứ ba - 31/01/2017 19:50
Cha mẹ bán hết trâu bò cho con đi học để ra trường… thất nghiệp

(PL News) - Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng nhiều và đó là thách thức rất lớn của các nhà quản lý giáo dục.

Trong hội nghị “diên hồng” về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục Đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục đã tập trung mổ xẻ, phân tích tình trạng thất nghiệp đáng báo động của hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ.

Cả xã hội đang bức xúc về “nạn” thất nghiệp

Nói về tình trạng thất nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, xã hội đang rất bức xúc trước con số thất nghiệp hiện nay.

Chưa bao giờ bầu không khí thất nghiệp lại nặng nề như vậy. Những người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm trước tỷ lệ thất nghiệp này.

“Xã hội bức xúc lắm, tại kỳ họp quốc hội rất nhiều ý kiến của cử tri về vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm” Bộ trưởng nói.

Gần 200.000 cử nhân thất nghiệp là con số đáng báo động, gây bức xúc lo lắng trong xã hội. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam là rất lớn. Trong đó, chủ yếu là những người được đào tạo trình độ từ cao đẳng trở lên.

Cụ thể, trong báo cáo điều tra lao động việc làm quý 1 năm 2016 của Tổng cục thống kê, cả nước có 1,12 triệu người lao động trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên bị thất nghiệp (trên tổng số 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động).

"Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi"

Trong đó, có khoảng 431.000 lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ 3 tháng trở lên.

Một số liệu điều tra khác của đơn vị này thì có khoảng 4,5 - 5 triệu người có trình độ đại học trở lên trên tổng số hơn 90 triệu dân. Nhưng có đến 200.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp.

Trước con số đáng báo động này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về chất lượng đào tạo, kỹ năng khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận thực tế ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không có việc làm.

Ông Nhạ dẫn chứng có trường hợp rất thương tâm, bố mẹ bán tất cả trâu bò, heo gà cho con ăn học nhưng ra trường cũng không tìm được việc làm.

Bộ trưởng chia sẻ thêm, bản thân ông rất buồn khi chứng kiến cảnh sinh viên ra trường không có việc làm.

Có trường hợp còn giấu bằng Đại học, thậm chí giấu cả bằng thạc sĩ để đi lao động chân tay. Thực trạng này ở nước ngoài cũng có, nhưng ở nước ta xảy ra nhiều hơn – ông Nhạ nói.

“Đừng quá bi quan về tỷ lệ thất nghiệp”

Đánh giá về thực trạng thất nghiệp hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, không nên có cái nhìn quá nặng nề, bi quan về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp.

Bởi lẽ, đây không phải là chuyện cá biệt của Việt Nam mà là câu chuyện phổ biến ở nhiều quốc gia, kể cả ở những nước phát triển.

Ông Dũng dẫn chứng, ngay như ở Phần Lan - một đất nước có nền giáo dục tiên tiến nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở người có trình độ vẫn lên đến 12%.

Tương lai gần, 9/10 nhân lực hiện tại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp

Ở Trung Quốc, một nước đông dân, số lượng người có trình độ Đại học cũng rất lớn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4%.

“Như vậy, con số 431.000 lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ở nước ta là tình trạng bình thường” - ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cũng phân tích thêm, các sinh viên ra trường thường không đi làm đúng ngành mà thấy các ngành khác dễ xin việc thì toàn học bổ sung để cố xin việc.

Điều này dẫn đến tình trạng dù có nhận được việc nhưng vẫn không đáp ứng được sự phát triển của xã hội.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Nhạ nói “Có nhiều lý do sinh viên ra trường thất nghiệp. Kể cả Đại Havard cũng có sinh viên thất nghiệp, ra trường không chọn nghề mà mình đã học”.

Xảy ra thất nghiệp, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm trước thực trạng thất nghiệp bởi đã không đánh giá đúng yêu cầu thực tế của nhu cầu xã hội trước khi đào tạo.

Ông Nhạ nhận định, hiện nay số sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ngày càng nhiều và đây là thách thức rất lớn đối với các nhà quản lý giáo dục.

“Học ra thất nghiệp nhưng nhiều người vẫn thích cái mác đại học”

Theo Bộ trưởng, để giải được bài toán này, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ xã hội, của cả thể chế.

Nhưng trước hết, các Hiệu trưởng trường đại học phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

Khi tuyển sinh đầu vào thì chúng ta phải nghiên cứu dự báo 3 - 4 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường thì những ngành nghề nào cần nhân lực lớn.

Chính các trường đại học phải dự báo được tình trạng lao động của xã hội để cung ứng sinh viên sau khi ra trường vào các vị trí đó sao cho hợp lý.

 

Tác giả bài viết: An Nguyên

Nguồn tin: Theo Giáo dục VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây