Chỉ trong hai ngày cuối tuần, bóng đá trẻ VN chứng kiến hai tin vui: U-15 VN giành chức vô địch U-15 Đông Nam Á 2017 tại Thái Lan, U-22 VN lọt vào vòng chung kết U-23 châu Á 2018 tại Trung Quốc. Trước đó, U-20 VN là đội duy nhất ở khu vực Đông Nam Á vào vòng chung kết U-20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc.
Điểm 10 từ các lò đào tạo
Nếu như các trung tâm đào tạo trẻ của Hà Nội, HAGL, Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa, B Bình Dương... bắt buộc phải xây dựng hệ thống đào tạo để dự các giải trẻ toàn quốc theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp (mỗi CLB phải dự ít nhất 4/5 giải trong một năm), thì các lò năng khiếu Viettel hay PVF thực hiện việc “trồng người” theo tiêu chí riêng của mình: đào tạo tài năng trẻ để phục vụ các đội tuyển quốc gia và bổ sung cho các CLB chuyên nghiệp.
Với tiềm lực tài chính khá dồi dào, các trung tâm nói trên từng bước xây dựng cơ sở vật chất hiện đại trong tập luyện, sinh hoạt và học văn hóa cho cầu thủ trẻ.
Theo thông tin mới nhất mà Tuổi Trẻ có được, sau 8 năm tạm lưu ngụ tại Trung tâm thể thao Thành Long (TP.HCM), sắp tới PVF sẽ chuyển về đóng quân ở Hưng Yên với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm hàng chục sân tập đúng quy cách cùng đầy đủ các phòng chức năng dành riêng cho việc đào tạo.
Đội ngũ HLV từ các trung tâm hầu hết đều là cựu tuyển thủ quốc gia hay tuyển U-22 VN như Phương Nam, Thanh Phương, (Viettel), Việt Thắng, Mạnh Cường, Hữu Đang, Hồ Văn Lợi, Ngầu Nại (PVF), Hồng Việt, Tiến Anh (Hà Nội), Quang Trường, Thành Công (SLNA), Hồng Vinh, Văn Đàn (Hoàng Anh Gia Lai), Trần Minh Chiến (B Bình Dương)...
Giã từ sân cỏ, các cựu tuyển thủ nói trên theo học và được cấp bằng HLV quốc tế từ AFC (LĐBĐ châu Á).
Những giáo án huấn luyện được cập nhật từ AFC và FIFA đã góp phần giúp họ ứng dụng hiệu quả hơn trong các buổi tập hằng ngày, giúp tài năng trẻ dần trưởng thành trước lúc được gọi vào các đội tuyển trẻ quốc gia sau khi thể hiện năng lực chuyên môn từ các giải trẻ toàn quốc.
Làm sao để quả ngọt mãi ngọt?
Câu hỏi được quan tâm nhiều nhất hiện nay là VFF và các trung tâm đào tạo trẻ cần chăm chút các tài năng trẻ như thế nào, để họ đủ sức bước vào con đường chuyên nghiệp?
Ông Nguyễn Sĩ Hiển - trưởng phòng các đội tuyển quốc gia thuộc LĐBĐVN (VFF) - cho biết: “Đây là một câu hỏi không dễ đưa ra lời giải đáp. Dù VFF luôn quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, nhưng thi thoảng các em mới lên tập trung ở các đội tuyển trẻ quốc gia khoảng 1-2 tháng, thời gian còn lại sinh hoạt và tập luyện ở CLB hay trung tâm. Do đó, mấu chốt của việc quản lý, giáo dục về tư tưởng, rèn luyện chuyên môn phụ thuộc vào các HLV cơ sở là chính. Quả ngọt hay quả chua, theo tôi, đều có sự ảnh hưởng nhất định từ các HLV sinh hoạt với các em hằng ngày”.
Khiếm khuyết lớn nhất là hệ thống thi đấu hằng năm của bóng đá trẻ VN quá ít, phần lớn là tập và tập cùng nhau nên cầu thủ trẻ không có được cơ hội cọ xát thường xuyên.
Theo ông Hiển, VFF không thể giải quyết rốt ráo vấn đề này mà cần phải có sự chung tay, góp sức từ Tổng cục TDTT và cao hơn nữa là Bộ VH-TT&DL để mở rộng hệ thống thi đấu hằng năm nhiều hơn nữa chứ không phụ thuộc vào một giải toàn quốc duy nhất. “Kinh phí hoạt động, tổ chức thêm nhiều giải bóng đá trẻ chính là bài toán hóc búa chưa có lời giải” - ông Hiển nói.
Ở đây cũng phải đề cập đến vai trò của VFF là chưa có sự tham mưu sâu sát, chưa có định hướng chiến lược dài hạn trong việc đầu tư, phát triển cho bóng đá trẻ. Do vậy, VFF cần phải đóng vai trò lớn hơn, để giúp các tài năng trẻ tự tin, bản lĩnh bước đi trên con đường phía trước.
|
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn