Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn

Thứ hai - 06/02/2017 19:46
Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn

(PL News) -  Năm 1960, tỷ phú Nguyễn Văn Hảo tròn 70 tuổi. Ở giai đoạn này mọi công việc ông làm đều diễn ra suôn sẻ và thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng vào tuổi về chiều, dường như ông muốn tìm đến sự yên tĩnh để có thời gian chiêm nghiệm lại những gì đã qua.

"Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự

Giao lại hết mọi việc kinh doanh cho vợ con, ông Hảo trở về quê nhà ở Càng Long (Trà Vinh) mua một miếng đất rộng 15ha để xây dựng một ngôi chùa. "Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự có từ đó.

Chùa ông Hảo được xây dựng theo thiết kế của kỹ sư Phan Hiếu Kỉnh, trên khuôn viên đất rộng 8000m2. Đây là một ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo nửa tây nửa ta. Chùa có ngôi tháp 9 tầng, có phù điêu rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chiếc du thuyền của ông.

Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn

"Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự xưa. Ảnh: Edward P. Metzner

Việc xây dựng chùa diễn ra khá chậm bởi vật liệu mua từ Pháp được chuyển từ xa đến trong khi giao thông khó khăn. Phải mất 8 năm ngôi chùa mới hoàn thành.

Gần chùa, ông còn cho xây thêm một dãy phố lầu và một ngôi chợ để người dân địa phương lui tới mua bán, tạo điều kiện để bà con sinh sống. Chùa xây xong cũng là lúc chiến sự đến hồi ác liệt. Người dân bỏ cả ruộng vườn tìm nơi lánh nạn. Họ đã tìm đến chùa được ông cho tá túc và giúp đỡ lương thực, thuốc men. 

Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện bằng cách cho bà con mượn đất quanh chùa để trồng trọt, cấy hái phụ vào miếng ăn hàng ngày. Những người có tuổi ở Càng Long hiện nay không ai có thể quên được thiện tâm của ông. Ông rất giàu nhưng biết sẻ chia cho bà con cùng khổ.

Ngôi chùa được ông ủy nhiệm lại cho vợ ông là bà Nguyễn Thị Dài đứng ra chăm sóc nhang khói thờ tự sau khi ông mất. Hết đời bà Dài, ông Nguyễn Tâm Thạnh, con ông Hảo sẽ kế tiếp, tiếp tục chăm sóc ngôi chùa. Ý nguyện này được ông Hảo đã cho khắc chúc thư bằng đá trắng để tại chùa.

Ngày nay trở lại nơi đây, ngôi chùa đã trở thành phế tích. Thế nhưng, hình ảnh ông Hảo vẫn còn phảng phất đâu đây. Rõ nét nhất có lẽ là trên búc phù điêu còn sót lại hình ảnh rạp hát Nguyễn Văn Hảo, chiếc du thuyền của ông dùng rong ruổi từ Sài Gòn về Càng Long, dãy biệt thự hương thôn...

Tâm sáng, lòng son

 Ông Hảo mất năm 1971. Năm 1975, chính quyền tiếp quản ngôi chùa. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dài tiếp tục ở chùa cho đến năm 1979 bà mất. Huyện Càng Long thu lại toàn bộ khu vực này. 

Bên cạnh chùa hiện nay vẫn còn một khu đất được xem như nghĩa trang gia tộc của ông Hảo. Ở nghĩa trang nhỏ này có 6 phần mộ trong đó có vợ chồng ông cùng mẹ ruột, mẹ vợ. Cả 6 ngôi mộ này đều xây dựng giống nhau. Trên mộ có hình quyển sách và 4 góc đều có sư tử đá.

Năm 1996, cháu nội ông Hảo nghe lời cha trở về nơi đây cất một cái chòi ở cạnh chùa để sinh sống và có điều kiện sớm hôm nhang khói. Về sau, khu vực này được chính quyền sử dụng làm bệnh viện, rồi thư viện, sau cùng là khu vui chơi cho trẻ em.

Ngẫm lại, cả cuộc đời ông Nguyễn Văn Hảo chỉ có chí thú làm ăn. Đồng tiền ông kiếm được phải trả bằng những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt. Về cuối đời, ông còn xây chùa, tạo điều kiện giúp người cơ nhỡ. 

Khác với những đại gia khác, khi đạt được những thành quả tốt đẹp đôi khi sa ngã vào những tệ nạn. Với ông Hảo, từ một thanh niên tay trắng, ông làm nên một sản nghiệp lớn lao. Ông không để lại một điều tiếng gì ảnh hưởng đến thanh danh và sự nghiệp.

Tâm ông trong sáng. Tấm lòng ông son sắt. Một doanh nhân như thế thực rất đáng để cho mọi người học hỏi và noi gương.

Nguồn tin: theo nguồn: http://vietnamnet.vn/:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây