Dù họp vào thứ 7 song sáng nay rất đông ĐBQH tham dự hội nghị góp ý về dự án sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự (BLHS).
Trong đó khoản 3 điều 19 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng được nhiều luật sư tranh luận sôi nổi.
Đề nghị khoanh hẹp 20-30 tội
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN Đỗ Ngọc Thịnh đặt vấn đề: ”Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không khi chưa bảo vệ được gì đã tố giác?
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh |
Ông cho rằng, nếu áp quy định này, niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư sẽ mất dần và nghề này sẽ bị thui chột.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN đồng tình, với những tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, đặt bom... luật sư với trách nhiệm công dân bắt buộc phải báo cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn. Lúc này, luật sư cũng phải trao đổi lại với thân chủ rất rành mạch và sòng phẳng.
”Tuy nhiên luật sư phải tố giác tới 83 tội đặc biệt nghiêm trọng như quy định của BLHS là quá rộng. Tôi đề nghị nên khoanh lại khoảng 20-30 tội thôi”, ông Thịnh nêu ý kiến.
Ông Thịnh cũng dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế từ Nhật, Mỹ, Đức... sẽ miễn trừ cho luật sư những tội thân chủ đã thực hiện.
Với những tội thân chủ chuẩn bị thực hiện hoặc lên kế hoạch thực hiện, chỉ áp với những tội đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, lật đổ chính quyền.
“Chúng tôi cho rằng đề xuất này là hợp tình hợp lý, phù hợp thực tiễn phát triển nghề luật sư, còn quy định trong luật hiện nay có thể dễ dẫn đến thui chột nghề luật sư”, ông Thịnh nói.
Ngay sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi luật sư Thịnh: "Tôi xin hỏi Liên đoàn luật sư, Lrước khi sửa bộ luật này có điều gì làm thui chột nghề luật sư chưa? BLHS gần 500 điều mà Liên đoàn đi bảo vệ 1 điều cho mình? Các anh phải xem lại, phải có trách nhiệm chung”.
Chủ tịch QH cho rằng, ngoài đạo đức luật sư còn phải có trách nhiệm, đạo đức của một công dân. Nếu biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại chỗ này.
Chủ tịch QH hỏi lại luật sư Thịnh |
”Ở đây tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được”, Chủ tịch QH nêu ý kiến.
Bà cho rằng, luật sư có thể bào chữa cho thân chủ từ cố tình giết người sang vô ý giết người, từ trốn thuế sang lách thuế nhưng nếu biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì chỉ hoàn thành nghĩa vụ luật sư của mình, nhưng sẽ làm ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới rất nhiều người dân vô tội. Làm ngơ là không được.
Báo cáo đã đóng góp vào BLHS tương đối nhiều điều, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh mong Chủ tịch QH thông cảm vì hơi đi sâu vào nội dung này.
Từng có thời gian 8 năm làm luật sư, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) xin tranh luận. Ông cho rằng việc quy định như khoản 3, Điều 19 là phù hợp trách với trách nhiệm của luật sư, không làm thui chột nghề hay ảnh hưởng sự thu hút đầu tư nước ngoài.
”Luật sư vừa phải bảo vệ quyền lợi của thân chủ đồng thời phải bảo vệ pháp chế XHCN - đây là một những nghĩa vụ của luật sư”, ông Học nhấn mạnh.
Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga thông tin thêm, so với điều 22 của BLHS 1999, trách nhiệm của luật sư trong việc không tố giác tội phạm trong BLHS 2015 đã giảm đi 70 khung hình phạt, từ 179 xuống còn 109.
Tố giác phải có bằng chứng
Giơ tay tranh luận, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, quan hệ giữa luật sư với thân chủ là một trong những vấn đề rất quan trọng của hệ thống tư pháp.
Ông cho biết, xuất phát từ công ước về quyền con người mà chúng ta ký thì LHQ ban hành Nghị quyết về quan hệ giữa luật sư và người được bào chữa.
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
”Trong nghị quyết này có ghi là các nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để bảo vệ quyền bí mật giữa luật sư và thân chủ”, luật sư Nghĩa nhấn mạnh và cho biết, một số nước đã áp dụng mở rộng quyền miễn trừ với cả nhà tâm lý, bác sĩ.
Ông dẫn chứng, nhiều nước không buộc luật sư phải tố giác những tội phạm đã diễn ra, vì đó là trách nhiệm của các cơ quan công tố. Nhưng trong BLHS quy định đã, đang, chuẩn bị diễn ra đều phải tố giác.
”Từ tố giác có nghĩa rất rộng. Một ông luật sư đi tố giác chính người mình bào chữa, sau tòa xử không phạm tội, ông tố giác bậy thì làm sao?” - ông Nghĩa nêu ví dụ.
Theo ông, có thể không cần thu hẹp danh sách tội phải tố giác nhưng bổ sung 3 điều kiện là luật sư phải biết rõ tội phạm, có chứng cứ và nếu những hành vi đấy không được tố giác sẽ dẫn đến nguy hiểm cho xã hội.
ĐB Nguyễn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cũng cho rằng buộc luật sư phải chịu trách nhiệm với những hành vi phạm tội trong quá khứ là xung đột, không phù hợp với nguyên tắc làm luật trong luật Tố tụng.
”Về mặt lý luận, luật thực tế không được xung đột với các luật khác. Luật sư thì cấm được tiết lộ bí mật trừ pháp luật quy định khác”, ông Chiến dẫn chứng.
Trước nhiều ý kiến tranh luận, Chủ tịch QH yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải ngồi lại với nhau thảo luận thấu tình đạt lý, có thể mời thêm luật sư, các nhà làm luật để tranh luận riêng.
|
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn