Bất thường trong cấp phát tiền hỗ trợ bão lụt năm 2016 ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ, Bình Định)

Thứ sáu - 21/09/2018 03:03
Cuối năm 2016 mưa lũ dồn dập đã nhấn chìm và làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của trên 100 hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ngay sau khi thiên tai đi qua, Nhà nước đã kịp thời phân bổ về cho địa phương hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục sản xuất, ổn định đời sống. Thế nhưng do sự tắc trách của các cấp có thẩm quyền cho đến nay số tiền hỗ trợ thiết thực của Nhà nước vẫn chưa về đến tay người dân đầy đủ…
 Bất thường trong cấp phát tiền hỗ trợ bão lụt năm 2016 ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ, Bình Định)

 


                                         
Ngày 21/12/2016, sau khi các cơn lũ đi qua gây thiệt hại nặng nề cho các xã phía đông huyện Phù Mỹ (trong đó có xã Mỹ Thành), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về tận thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh để thăm hỏi bà con vùng lũ và chỉ đạo địa phương khẩn trương hỗ trợ giúp dân sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định sản xuất và đời sống.  Ảnh: Internet
 
       
          Bài 1. Tắc trách trong kê khai, áp giá hỗ trợ
 
      Báo cáo tổng hợp về tình hình thiệt hại NTTS do lũ lụt xảy ra năm 2016 trên địa bàn xã Mỹ Thành (được lập ngày 29/12/2016, ngay sau mưa lũ đi qua) cho biết: Toàn xã có 776.636 m2 mặt nước của 130 hộ gia đình có sản phẩm bị thiệt hại, với tổng số tiền ước tính trên 10 tỷ đồng, trong đó có 77 hộ bị thiệt hại trên 70% (trong đó có 66 hộ thiệt hại 100%), 53 hộ thiệt hại từ 30% - 70%. Báo cáo tổng hợp được thực hiện trên cơ sở kê khai thiệt hại của 130 hộ gia đình theo mẫu hướng dẫn, có chữ ký xác nhận của Tổ công tác xác định thiệt hại và chữ ký của PCT ký thay CT. UBND xã. Như vậy theo quy định tại Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; các cấp có thẩm quyền ở địa phương đã làm đúng quy trình kê khai và báo cáo thiệt hại do thiên tai gây ra.

      Thích thì nâng, không thích thì hạ

      Nguyên tắc hỗ trợ trợ để khôi phục sản xuất được quy định trong Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 187 của Bộ Tài chính và các Quyết định của UBND tỉnh Bình Định ban hành là phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Tuy nhiên ở xã Mỹ Thành, các cấp có thẩm quyền ở địa phương đã “ngâm tôm” đến tháng 7/2018 (tức hơn 1,5 năm) mới tổ chức cấp phát tiền hỗ trợ. Nguyên nhân chậm trễ là do quá trình thực hiện kiểm kê, thẩm định và áp giá hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền có nhiều khuất tất, khiến người dân hoài nghi thắc mắc, dẫn tới phát sinh khiếu nại. Bà Lê Thị Chín (thôn Xuân Bình Nam) cho biết: Đìa NTTS của gia đình bà được hình thành trên cơ sở diện tích được cấp quyền của 8 hộ gia đình với diện tích 140.000m2. Mưa lũ cuối năm đó đã cuốn trôi 1,6 tấn tôm thương phẩm và sạt lở 50m3 đất, tổng thiệt hại ước tính 167.500.000 đồng, theo hướng dẫn ông đã kê khai kịp thời và được UBND xã xác nhận.

       Thế nhưng sau đó, bà mỏi mòn chờ đợi tiền hỗ trợ của Nhà nước, một tháng, hai tháng, rồi một năm trôi qua... Cho đến tháng 4/2018, bà mới nghe Đài Truyền thanh xã phát đi thông báo tiền hỗ trợ đã về, trong đó đìa của bà đứng tên được hỗ trợ 70 triệu đồng. Được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, đến các thông báo sau đó số tiền hỗ trợ của hộ bà đột ngột bị cắt giảm còn 25 triệu đồng. “Họ giải thích với tôi là do bị trừ 9ha có chức năng làm muối. Như vậy sao được, Nhà nước hỗ trợ thiệt hại thưc tế mà…”, bà Chín bức xúc chia sẻ. Cùng “số phận” như bà Chín, còn có các hộ khác: Trương Văn Vui từ 30.850.000 đồng giảm còn 8.700.000 đồng; Trương Cu (Tiến) từ 20.000.000 đồng giảm còn 3.000.000 đồng; Đỗ Văn Đậu từ 15.000.000 đồng còn 9.000.000 đồng; Ngô Thân từ 3.750.000 đồng còn 960.000 đồng; Đỗ Phước Hoàng từ 4.200.000 đồng còn 2.100.000 đồng…
   

Nguyên tắc hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được quy định tại Điều 2, Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước hỗ trợ và chia sẻ rủi ro cùng người sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con. Công khai, minh bạch, đúng đối tượng, định mức

 
      Điều đáng nói là trong khi các hộ nói trên bị thẳng tay cắt giảm thì trái lại các hộ gia đình cán bộ thì được nâng quyền lợi. Cụ thể là hộ ông Phùng Đông Quang – PCT HĐND xã (ở thôn Xuân Bình Bắc) có tổng diện tích NTTS theo phương thức QC bị thiệt hại 5.000m2, trong đó có 3.400m2 làm muối nhưng vẫn được hỗ trợ đủ 100%. Hộ ông Ngô Thắng Trung – Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Xuân Bình Nam bị thiệt hại 4.600m2 nuôi tôm QC được điều chỉnh có 1.000m2 nuôi theo phương thức TC, theo đó nâng mức hỗ trợ  từ 2.300.000 đồng lên 4.300.000 đồng. Hộ ông Lê Đình Đức - nguyên PCT UBND xã về hưu ở thôn Xuân Bình Bắc, cũng được điều chỉnh tăng diện tích hỗ trợ từ 2.500m2 TC lên 4.200m2 TC.
  
       Thậm chí ngay cả 8 hộ gia đình lấn chiếm mặt nước nuôi cá lồng bè trái phép ở thôn Vĩnh Lợi 3 (lý do việc NTTS làm cản trở dòng chảy và việc tàu thuyền ra vào cửa biển Đề Gi. Năm 2014 những hộ này đã từng bị UBND xã cưỡng chế buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng - PV) nhưng vẫn được UBND xã “ưu ái” giữ nguyên theo danh sách tổng hợp ban đầu, với tổng số tiền bị thiệt hại được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Tương tự, hộ ông Trần Hữu Sự - trưởng thôn Xuân Bình Bắc tự ý thả cá nuôi trong lòng hồ Cây Me, bất chấp lệnh cấm của UBND xã (để giữ nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp - PV), vẫn được đưa vào danh sách thiệt hại và được hưởng tiền hỗ trợ gần 30 triệu đồng…

      Hỗ trợ bao nhiêu là tùy… Phó chủ tịch

      Hộ ông Ngô Xuân Hải (ở thôn Xuân Bình Nam) bị thiệt hại 100% hàu trên diện tích 20.000m2, theo danh sách kê khai ban đầu được UBND xã xác nhận. Như vậy theo quy định tại Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013, hộ ông Hải sẽ được hỗ trợ từ 40 – 60 triệu/ha. Tuy nhiên khi công bố trên Đài Truyền thanh xã, hộ ông Hải bị điều chỉnh còn 3.300m2 nuôi hàu và 16.700m2 nuôi tôm QC. Không đồng ý, ông Hải khiếu nại thì được ông Hồ Văn Vinh – PCT UBND xã “cho” tăng lên 5.400m2 nuôi hàu, 14.600m2 nuôi tôm và được hỗ trợ 34.300.000 đồng. “Trước đó ông Vinh đã gặp con rể tôi thương lượng, rằng đã điều chỉnh lại diện tích rồi thôi đừng khiếu nại nữa. Đến bây giờ nó vẫn còn ấm ức” – ông Nguyễn Văn Đường – Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh thôn Xuân Bình Nam kể lại. Trường hợp hộ ông Huỳnh Văn Lộc (Bình Xuân Nam) từ 10.000m2 bị thiệt hại theo kê khai ban đầu, sau hơn một năm “xào qua xáo lại” tổng diện tích bị thiệt hại của hộ ông Lộc bất ngờ được đẩy lên 18.400m2 nuôi hàu và 31.600m2 nuôi tôm QC. Bức xúc dân tố, lập tức ông Vinh điều chỉnh giảm còn 8.300 m2 nuôi hàu, 10.000m2 nuôi tôm TC và 15.725m2 nuôi tôm QC, tổng số tiền hỗ trợ 74.182.500 đồng.
                  
Các hộ gia đình có đìa tôm bị thiệt hại bức xúc trình bày với PV (30/8/2018) về sự chậm trễ và khuất tất trong công tác cấp phát tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2016. Ảnh: Dũng Chinh
 
     
       Cũng theo ông Nguyễn Văn Đường, gia đình ông bị thiệt hại 5.000m2 nuôi tôm theo phương thức bán thâm canh vì có đầu tư quạt nước, máy bơm, giếng khoan… rất tốn kém, nhưng lại được áp giá hỗ trợ theo phương thức QC. Ngày 12/6/2018, thường trực UBND xã đã tổ chức cuộc họp để xem xét lại theo đơn khiếu nại của ông. Cuộc họp không đi đến kết quả như mong đợi của ông nhưng sau cuộc họp, ông Vinh – PCT UBND xã đã mời ông vào phòng làm việc mặc cả như người ở chợ. “Ông Vinh nói với tôi, ông chấp nhận bỏ tiền túi cá nhân ra để giải quyết cho tôi 700m2 TC còn lại 3.000m2 vẫn giữ nguyên theo phương thức QC. Tôi không chấp nhận vì tiền hỗ trợ là của Nhà nước chứ đâu phải của cá nhân mà ông Vinh nói theo kiểu ban phát như vậy. Đìa tôm của hộ tôi thiệt hại thực tế bao nhiêu thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ bấy nhiêu, tôi không đòi hỏi quá đáng…” – ông Đường nói.

      Điều không bình thường là có nhiều trường hợp không có tên trong danh sách báo cáo tổng hợp thiệt hại ban đầu, bất ngờ sau hơn 1 năm được ông Vinh “linh động” bổ sung vào danh sách nuôi hàu, như: Đinh Văn Ngà (Hưng Lạc) bị thiệt hại 6.000m2, Cao Thanh Tùng (Hưng Lạc) 500m2, Phan Thị Bé (Hưng Lạc) 1.800m2, Võ Thị Hỷ (Hưng Lạc) 8.000m2…

      Trước những khuất tất trên, tại cuộc tiếp xúc cử tri xã Mỹ Thành gần đây nhất (7/8/2018), sau khi nghe người dân phản ánh, ông Trần Văn Thọ - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định đã tiếp thu và yêu cầu các cấp có thẩm quyền của huyện Phù Mỹ phải khẩn trương xác minh làm rõ và trả lời sớm cho cử tri, thế nhưng sau đó mọi chuyện đều rơi vào im lặng. “Đây là lần thứ hai, người dân chúng tôi phản ánh trực tiếp đến ông Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy nhưng không có kết quả. Vì quá thất vọng nên chúng tôi mới đồng lòng gửi đơn đến các cơ quan báo chí để tố cáo và kỳ vọng mọi việc sẽ sớm được sáng tỏ”, ông Đỗ Phước Hoàng và Phạm Quốc Hùng đồng cho biết.
                                                                                                
                                                                                                                                                       (Còn nữa)
 
Luật sư Lê Hoài Sơn – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định: “Người dân Mỹ Thành có quyền hoài nghi các cấp có thẩm quyền của huyện Phù Mỹ và ông Hồ Văn Vinh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về việc cấp phát tiền hỗ trợ thiệt hại lũ lụt. Bỡi nguyên tắc hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định của Nhà nước là phải kịp thời, công khai, minh bạch nhưng ở đây người dân Mỹ Thành phải chờ đợi tới 1,5 năm; đối tượng và mức hỗ trợ thì bị điều chỉnh nâng lên hạ xuống theo kiểu ban phát từ tiền cá nhân, nhưng không có lý do thuyết phục. Tôi cho rằng không có căn cứ để xác định những hộ kê khai phát sinh sau này là chính xác khi mà quy trình kê khai, áp giá hỗ trợ để kéo dài quá thời gian, trong khi trước đó thiệt hại về sản phẩm tại thời điểm không được ai kiểm đếm ghi nhận…”

Tác giả bài viết:   TỔ PV MIỀN TRUNG                                                     

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây