Ba "hổ tướng" công an với những chiến công lẫy lừng một thuở

Thứ bảy - 13/01/2018 03:10
(Soha.vn) - Những cái tên này được nhiều người biết đến nhờ những chiến công vang dội đã trong suốt sự nghiệp cầm quyền của mình.
Ba "hổ tướng" công an với những chiến công lẫy lừng một thuở

 


Ông Phan Văn Vĩnh (Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm)

Trung tướng Phan Văn Vĩnh là người con của quê hương Nam Định. Ông Vĩnh sinh ngày 19/05/1955 tại Thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ông Vĩnh được kết nạp Đảng vào ngày 16/09/1978. Ông Vĩnh là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12, thuộc đoàn đại biểu Nam Định .

Trong quá trình hoạt động trong ngành, vụ án ghi đậm dấu ấn, vai trò của ông Vĩnh nhất chính là điều tra vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê văn Luyện thực hiện. Quá trình điều tra vụ thảm sát do Lê Văn Luyện gây ra, tướng Vĩnh chính là Trưởng ban chỉ đạo chuyên án.

Nói về vụ án này, ông cho biết, khi xuống hiện trường đã chứng kiến cảnh kinh hoàng: Vợ chồng chủ tiệm vàng chết cùng đứa con gái mới 18 tháng tuổi, đứa lớn học lớp 3 may mắn thoát chết với bàn tay bị đứt lìa. "Những cái chết rất thảm khốc, chỉ thấy máu và máu khiến tất cả chúng tôi lặng người. Điều đó thúc đẩy chúng tôi quyết tâm bắt bằng được tội phạm", tướng Vĩnh nói.

Ngay sau đó, hàng nghìn cảnh sát ưu tú của 10 tỉnh gần địa bàn Bắc Giang được huy động vào cuộc. Sau 4 ngày, những manh mối đầu tiên bắt đầu hiện lên và Lê Văn Luyện đã bị bắt tại Lạng Sơn khi đang trên đường bỏ trốn.

Khi bắt được đối tượng Lê Văn Luyện, tổ công tác đưa ngay về đồn biên phòng. "Tôi đã đề nghị đồng chí Trưởng phòng CSHS Công an Lạng Sơn chuyển điện thoại cho Luyện để hỏi hắn ngay trên điện thoại. Điều đầu tiên tôi hỏi hắn là về hung khí, sử dụng hung khí nào để gây án? Bởi chính hung khí khẳng định bản chất nguy hiểm của vụ án", ông Vĩnh chia sẻ.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh

Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Ảnh Công an nhân dân)

Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cũng chính là Trưởng ban chuyên án vụ bắt giữ “bầu” Kiên.

Trong vụ án này, với tư cách là Trưởng ban chuyên án, ông Vĩnh khẳng định "không chịu bất kỳ sức ép nào trong điều tra vụ án.  Sai phạm của Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải sẽ được điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, trên tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội". 

Với những thành tích đáng khâm phục và những đóng góp to lớn của ông trong suốt quá trình công tác, ngày, 28/9/2012, công an tỉnh Nam Định đã công bố quyết định của Bộ Công an bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nam Định.

Ông Nguyễn Đức Nhanh (Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội)

Ông Nguyễn Đức Nhanh sinh năm 1952 tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Chính thức vào Đảng CSVN vào ngày 28/ 5/1980. Ông là một Trung tướng Công an Nhân dân Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII Quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Nội.

Ông Nhanh bắt đầu tham gia lực lượng vũ trang từ năm 1981 với nhiệm vụ ban đầu là Cảnh sát điều tra. Năm 2005, ông Nguyễn Đức Nhanh được tấn phong lên làm Giám đốc Công an Hà Nội thay thế Thiếu tướng Phạm Chuyên.

Tháng 7/2009, ông Nhanh được tặng huân chương chiến công hạng nhất bởi Bộ Công an với thành tích “lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong công tác”. Ngày 31/5/2010, ông Nguyễn Đức Nhanh được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (Ảnh Hà Nội Mới)

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (Ảnh Hà Nội Mới)

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh có hơn 30 năm công tác trong ngành. Tên tuổi ông gắn nhiều với các chuyên án lớn như phá đường dây buôn bán trái phép chất ma túy Vũ Xuân Trường, giải cứu con tin cháu bé là người Nhật...

Trong vụ án phá đường dây buôn bán ma túy Vũ Xuân Trường diễn ra cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, nhờ sự nhạy bén của mình, ông Nhanh lúc đó là Trưởng phòng cảnh sát điều tra, thành viên hội đồng thi hành án tử hình đã quyết định xin được đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về việc hoãn thi hành án đối với Xiêng Phênh, tên tội phạm lĩnh án tử trong vụ án đường dây buôn bán ma túy lớn của Vũ Xuân Trường để tiếp tục mở rộng điều tra.

Chính quyết định này đã giúp ông Nhanh triệt phá đường một đường dây buôn bán ma túy lớn, đặc biệt nghiêm trọng của Vũ Xuân Trường cùng một số cán bộ công an, biên phòng và các đối tượng liên quan khác. Hai năm sau Vũ Xuân Trường cùng đồng bọn bị đưa ra thi hành án tử hình.

Ngoài ra, trong thời gian lãnh đạo của mình, ông Nhanh còn cho thành lập tổ công tác 141 được nhiều người dân đồng tình ủng hộ khi tình trạng đua xe trái phép, thanh niên ương bướng ở thủ đô đã giảm hơn.Trung tướng Nhanh từng được tặng nhiều Huân, Huy chương.

Sau ngày 31 tháng 8 năm 2012, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Ông Dương Tự Trọng (Nguyên cục phó Cục Cảnh sát Quản lí Hành chính về TTXH, Bộ Công an, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng)

Ông Trọng quê Hải Dương, sinh ra và lớn lên ở TP Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nhiều người là cán bộ ngành công an. Ông Dương Tự Trọng năm nay 52 tuổi, là con trai của ông Dương Khắc Thụ, nguyên Đại tá Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng trong thập niên 1970 - 1980.

Ông Dương Tự Trọng chính là em trai ruột ông Dương Chí Dũng cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines, người vừa lĩnh án tử trong phiên xét xử hôm 14/12 liên quan đến vụ bê bối tại Vinalines, là con trai thứ hai trong một gia đình có 5 người con. Đồng thời có một người em gái là bà Dương Thị Băng Tâm - cán bộ Công an PC 25 Hải Phòng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Dương Tự Trọng gia nhập lực lượng công an và công tác, cống hiến tại công an TP Hải Phòng, khởi đầu từ một cán bộ công an phường ở quận Lê Chân.

Ông Trọng tại vụ cưỡng chế đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ngày 5.1.2012 (Ảnh Internet)

Ông Trọng tại vụ cưỡng chế đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ngày 5.1.2012 (Ảnh Internet)

Cái tên Dương Tự Trọng được nhiều người biết đến vì ông là một cán bộ cảnh sát hình sự giỏi nghề. Đất Hải Phòng vốn là đất “dữ” và là nơi sản sinh ra nhiều băng nhóm tội phạm và với nhiều tên tội phạm hình sự khét tiếng.

Thời gian làm Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự rồi sau đó là Phó giám đốc Công an Hải Phòng, ông Trọng từng trực tiếp chỉ đạo nhiều chuyên án lớn, triệt phá các băng ổ nhóm giang hồ cộm cán đất Cảng. Ông Dương Tự Trọng từng là khắc tinh của những tên tội phạm đất Cảng.

Trước khi rơi vào vòng lao lý, Dương Tự Trọng triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn và tóm gọn nhiều đối tượng giết người đặc biệt nguy hiểm. Tiêu biểu trong đó là vụ sau 6 giờ, bắt tên sát nhân máu lạnh chặt đầu, 2 tay nạn nhân vào năm 2011.

Theo đó, ngày 7/1/2011, người dân khu Đầm Triều, phường Quán Trữ, quận Kiến An, Hải Phòng phát hiện một thi thể phụ nữ trong tình trạng mất đầu và 2 cánh tay. Thi thể nạn nhân chỉ còn một quần lót màu đen, phần trước cạp quần màu đỏ, có hoa màu vàng.

Trước vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, nhận sự chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, Đại tá Dương Tự Trọng – Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã thành lập chuyên án 11G, nhanh chóng điều tra, truy tìm hung thủ.

Sau 6 giờ điều tra và lần từ các manh mối nhỏ lẻ, những nút thắt trong vụ án mạng dần dần được hé mở. Bằng những nghiệp vụ khôn khéo, mưu trí, cơ quan điều tra đã bắt hung thủ phải thừa nhận toàn bộ tội ác man rợ mà bản thân y đã gây ra. 

Trước khi bị bắt vì tội Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài liên quan tới cuộc đào tẩu của Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng đang giữ chức Cục phó Cục Cảnh sát Quản lí Hành chính về trật tự xã hội. Ông Trọng đã phải nhận 18 năm tù giam về hành vi tổ chức đưa anh ruột vượt biên trốn nã. 

Nguồn tin: Tri Thức Trẻ/ Soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây