Xử lý nghiêm cán bộ đã hạ cánh an toàn
Trước sự việc này, sáng nay bên lề Quốc hội, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Giám đốc Học viện Tư pháp) đã trao đổi với báo giới. ĐB Hồng Hà đánh giá, quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật ngay cả khi họ đương chức và khi họ đã nghỉ hưu. Thứ hai, nó đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân Thủ đô nói chung, cả nước nói riêng trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật. Thứ ba, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, loại bỏ tất cả vùng cấm cũng như những cá nhân hạ cánh an toàn trong thời gian qua, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Trước đó tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch UBDN TP Hà Nội năm 2016, nhiều cử tri cũng khá bức xúc trước việc xử lý trách nhiệm liên quan đến 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà ảnh hưởng cuộc sống hàng vạn người dân và việc "miễn" xử lý hình sự đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex và một số lãnh đạo khác.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết, sau khi cơ quan điều tra bộ Công an điều tra vụ việc, theo ủy quyền của Viện kiểm sát nhân dân TC, Viện kiểm sát nhân dân thành phố khởi tố và tới đây Tòa án nhân dân thành phố sẽ xét xử. Người đứng đầu Thành phố cũng nhấn mạnh với cử tri tại phiên tiếp xúc cử tri hôm đó rằng, “cử tri hãy chờ đón kết quả phiên tòa, xem 9 bị can bị khởi tố và những người liên quan sẽ bị xử lý ra sao".
Tại sao lại cho tại ngoại?
Trả lời câu hỏi của báo giới vì sao lại có sự thay đổi này, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc này liên quan đến tố tụng, mà liên quan tới tố tụng thì phụ thuộc vào chứng cứ.
“Có thể thời điểm đó chúng ta chưa có đủ chứng cứ thì theo quy định của pháp luật thì chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án cũng như khởi tố bị can cũng như nhiều trường hợp chúng ta thấy đã nghỉ hưu rồi lúc đó chúng ta mới xử lý, khởi tố đó cũng là vì tại thời điểm đó chúng ta chưa đủ chứng cứ để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự nên việc chậm trễ cũng không có gì trái với quy định của pháp luật mà đúng ra đó là sự thận trọng cần thiết. Quốc hội vừa qua có Nghị quyết, yêu cầu cao trong việc đấu tranh phòng chống oan sai, chính yêu cầu này đặt cơ quan tố tụng rất thận trọng khi đưa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can”- ĐB Đỗ Đức Hồng Hà nói.
Bình luận thêm việc cơ quan điều tra cho ông Bình được tại ngoại, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, thực ra quyết định về tạm giam rất chặt chẽ, vì người ta ví tạm giam giống như hình phạt tù. Cho nên khi áp dụng biện pháp đó phải cân nhắc rất chặt chẽ quy định của pháp luật. Và việc các cơ quan tiến hành tố tụng có cần phải áp dụng biện pháp này hay không tùy thuộc vào đối tượng mình áp dụng, thời điểm mình áp dụng và những đặc điểm cụ thể tình hình tội phạm áp dụng biện pháp này.
“Ví dụ như bị can có địa điểm cư trú rõ ràng và phạm những tội mà Bộ Luật hình sự quy định ở mức chưa đến mức tạm giam, lại có nhân thân tốt – tức chưa có tiền án, tiền sự gì thì chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc mà tước bỏ quyền tự do của họ. Và như lúc nãy tôi nói khi mà tạm giam mà lại oan sai thì vi phạm nghị quyết của Quốc hội về phòng chống oan sai thì nó lại gây ra một loạt hậu quả khác về bồi thường của nhà nước, suy nghĩ của người dân và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị oan sai. Điều này rõ ràng các cơ quan tiến hành tố tụng đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định”- ĐB Đỗ Đức Hồng Hà nêu.
Ngày 22/5, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên chủ tịch HĐQT Vinaconex để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
CQĐT xác định hành vi của ông Phí Thái Bình có liên quan đến giai đoạn ông Bình làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà.
Dự án nước sạch sông Đà - Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng. Năm 2009, dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong quá trình vận hành khai thác tuyến ống liên tục xảy sự cố.
Từ tháng 2/2012 - 9/2015, tuyến ống dẫn nước đã bị vỡ 14 lần, phá huỷ 18 cây ống composite cốt sợi thuỷ tinh, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục sự cố.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt trong thời gian 343 giờ, với lượng nước ngừng cấp là hơn 1,5 triệu m3 nước, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của 177 nghìn hộ dân trên địa bàn Hà Nội. Kết quả giám định của Bộ Xây dựng cho thấy, nguyên nhân gây ra sự cố do chất lượng ống cốt sợi thuỷ tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế, độ bền không đạt 50 năm như yêu cầu của dự án…
Vào tháng 3/2016, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 9 bị can liên quan tới việc đường ống dẫn nước Sông Đà liên tục bị vỡ về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam.
Nguồn tin: Theo Infonet:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn