Gây tai nạn, thảm án: Phải coi “ngáo đá” là loại tội phạm nguy hiểm

Thứ sáu - 15/03/2019 21:16
Từ khi ma túy đá xuất hiện ở Việt Nam, đã có nhiều vụ thảm án mà hung thủ thực hiện trong cơn cuồng loạn, “ngáo đá” với các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Hiện nay, ở Việt Nam, theo luật mới, người sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó có ma túy đá) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Gây tai nạn, thảm án: Phải coi “ngáo đá” là loại tội phạm nguy hiểm
Trong tình trạng ngáo đá, nghi phạm Nguyễn Hoàng Nam đã sát hại nhiều người, trong đó có bà nội và mẹ đẻ của mình ngày 11.3. Ảnh: PV
Theo nhiều chuyên gia tội phạm học, Đại biểu Quốc hội và luật sư, đây là một chủ trương nhân văn nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy xã hội và làm mất đi công cụ hữu hiệu trấn áp loại tệ nạn nguy hiểm này.

Người sử dụng ma túy đá chỉ bị xử lý hành chính

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các đối tượng sử dụng chất ma túy. Điều đáng nói là các đối tượng gây án thường trong tình trạng ngáo ngơ, mất khả năng kiểm soát bản thân, thường ra tay tàn độc với bất kỳ người nào kể cả người thân, quen của mình. Gần đây nhất, Công an TPHCM đang tiếp tục lấy lời khai Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993, trú tại huyện Hóc Môn, TPHCM) do có hành vi sát hại 4 người vào ngày 11.3 trong tình trạng ngáo đá.

Hay cách đây 2 ngày, ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Quốc (SN 1992, quốc tịch Mỹ) điều khiển ôtô trong tình trạng có biểu hiện ngáo đá và bất ngờ tông vào một biển báo giao thông, sau đó tông vào 1 ôtô đang đỗ bên đường. Không dừng lại, chiếc ôtô này liên tiếp đâm vào các xe máy và taxi khác. Dù gây ra tai nạn nguy hiểm nhưng lái xe này vẫn ngồi trên xe lắc lư theo tiếng nhạc.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, cá nhân sử dụng trái phép các chất ma túy theo pháp luật hình sự hiện hành không còn bị coi là tội phạm. Trước đó, theo Bộ luật Hình sự 1999, người sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu tái phạm có thể lĩnh án tù đến 5 năm. Ngoài ra, người góp tiền để mua ma túy sử dụng chung hoặc bỏ tiền mua hàng cấm cho những người khác sử dụng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Thơm, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018), người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, căn cứ Điều 21, Nghị định 167 ngày 12.11.2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với người sử dụng ma túy, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi bổ sung 2008) quy định việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1-2 năm. Phạm vi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Thanh niên ngáo đá và hiện trường vụ tai nạn liên hoàn tại Lâm Đồng ngày 14.3 (ảnh cắt từ clip).         
Thanh niên ngáo đá và hiện trường vụ tai nạn liên hoàn tại Lâm Đồng ngày 14.3 (ảnh cắt từ clip).
Thanh niên ngáo đá và hiện trường vụ tai nạn liên hoàn tại Lâm Đồng ngày 14.3 (ảnh cắt từ clip).

Chủ trương nhân văn nhưng mất công cụ quản lý hữu hiệu

Trong khi đó, trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an - cho rằng, trong những năm gần đây, tình trạng ma túy có diễn biến phức tạp ở Việt Nam, hệ quả của việc này là người nghiện ma túy đang tồn tại rất lớn. Theo trung tá Hiếu, có cầu có cung, đó cũng là yếu tố gây ra những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn về an ninh trật tự. Đặc biệt nguy cơ các vụ trọng án có thể xảy ra.

“Trong quản lý người nghiện còn nhiều bất cập về mặt chính sách. Trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tức là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được coi là một tội phạm và bị xử lý hình sự. Đây được coi là công cụ quản lý răn đe về người nghiện. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi năm 2009, với quan điểm tiếp cận mới thì không coi người nghiện như phạm tội nữa mà coi đó như người bệnh” - trung tá Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia này, đây là một chủ trương khá nhân văn, tuy nhiên cũng đem lại hệ lụy xã hội. Một công cụ quản lý hữu hiệu trấn áp các tệ nạn nguy hiểm này không còn. Mặt khác, theo trung tá Hiếu, công tác quản lý và tổ chức cai nghiện còn nhiều bất cập. Quy định của pháp luật thì còn chồng chéo, cản trở nhau. “Luật Phòng chống ma túy đòi hỏi người nghiện tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Đây là một điều không khả thi trên thực tế. Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc phải có giấy xác nhận tình trạng nghiện. Tuy nhiên, người nghiện thì đâu có tự giác hợp tác để theo dõi và ban hành các văn bản có triệu chứng đó” - trung tá Hiếu đưa ra ví dụ.

Cũng theo trung tá Hiếu, đứng trước những tội ác mà người nghiện gây ra trong cộng đồng, đứng trước mối lo an ninh về số người nghiện không quản lý thì chúng ta cần phải quay lại những chế tài nghiêm khắc về nhóm đối tượng này. Vì lợi ích an ninh an toàn, theo quan điểm của cá nhân trung tá Hiếu thì cần phải xem xét lại về tội phạm hóa hành vi sử dụng chất ma túy.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, việc sử dụng chất kích thích dẫn đến ngáo đá, mất khả năng kiểm soát hành vi có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, những vụ việc bị “ngáo” rồi gây án giết người cần phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh và răn đe, phòng ngừa chung. Theo ông Hà, phạm tội do dùng chất kích thích mạnh bị “ngáo” không những phải chịu trách nhiệm hình sự mà trong một số trường hợp, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn những trường hợp bình thường. Như trường hợp người dùng bia, rượu, chất kích thích mạnh (ma túy đá) điều khiển tàu hỏa, máy bay, ôtô… gây tai nạn đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự do sử dụng các chất kích thích.

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% số người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% số người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% số người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

 

Tác giả bài viết: CAO NGUYÊN

Nguồn tin: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây