Xăng gánh 8.000 đồng thuế môi trường: Vì lợi ích quốc gia

Thứ bảy - 27/05/2017 04:27
(PL News) - Việc tăng khung thuế là để bảo đảm lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn, tránh chênh lệch nhiều về giá bán.
Xăng gánh 8.000 đồng thuế môi trường: Vì lợi ích quốc gia

 


Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Câu chuyện nâng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít lên mức 8.000 đồng/lít tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 26/5, ông Nguyễn Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới đồng thời, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Xang ganh 8.000 dong thue moi truong: Vi loi ich quoc gia
Việc tăng khung thuế là để bảo đảm lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn. Ảnh: VNN


Theo ông Thi, trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết, việc tăng khung thuế để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Hơn nữa, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện đang thấp hơn 136 nước, trong đó bao gồm các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, so với Lào, Việt Nam thấp hơn 4.766 đồng/lít, Philippines là 4.246 đồng/lít, Singapore là 17.270 đồng/lít, Hồng Kông (Trung Quốc) là 27.038 đồng/lít.

“Việc tăng khung thuế để bảo đảm lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Đồng thời, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường”, ông Thi khẳng định.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, khung thuế là do Quốc hội quyết định và sẽ có lộ trình thực hiện trong thời gian dài, mức thuế cụ thể từng thời kỳ sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, dựa trên tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay thì nhanh nhất đến năm 2018 Luật này mới có hiệu lực nên không tác động đến giá xăng dầu ngay trong năm nay.

“Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế”

Quan điểm trên của Đại diện Bộ Tài chính hoàn toàn trùng khớp với ý kiến của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa).

Phát biểu tại hội thảo Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế, ông Phan Thế Ruệ khẳng định hiệp hội ủng hộ việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách nhà nước”, ông Ruệ nhấn mạnh.

 Theo ông Ruệ, trong trường hợp thuế nhập khẩu xăng dầu giảm về 0%, cơ quan nhà nước phải tăng thuế nội địa để bù vào phần hụt đó. Nộp thuế là trách nhiệm của công dân với đất nước.

“Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi” - ông Ruệ nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Hoàng Nam (Tổng hợp)

Nguồn tin: Theo Đát Việt:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây