Sau
gần một tháng xảy ra tai nạn, ngày 9.4 Cơ quan điều tra Công an H.Đơn Dương (Lâm Đồng) cho biết không khởi tố vụ bà Phan Bảo Thúy (44 tuổi, ngụ H.Đức Trọng, Lâm Đồng) điều khiển ô tô chở 3 thẩm phán gây tai nạn làm 2 người bị thương, trong đó 1 người chấn thương sọ não, nhưng
bỏ chạy khỏi hiện trường.
Lái xe sau khi uống rượu bia
Theo cơ quan điều tra (CQĐT), khoảng 15 giờ 55 ngày 4.3, bà Thúy điều khiển ô tô 49A-205.16 lưu thông trên đường ĐH15, theo hướng xã Pró ra TT.Thạnh Mỹ (H.Đơn Dương). Khi đi đến xã Quảng Lập (H.Đơn Dương), ô tô nói trên va chạm với xe máy do bà Nguyễn Thị X. (44 tuổi) điều khiển chở theo chị Trần Thị K. (28 tuổi, cùng ngụ xã Lạc Xuân, H.Đơn Dương). Cú va chạm làm 2 người ngã xuống đường và bị thương, trong đó bà X. bị
chấn thương sọ não.
Dù ô tô bị bể lốp nhưng bà Thúy vẫn cố bỏ chạy khỏi hiện trường hơn 8 km mới bị CSGT chặn bắt. Kiểm tra nồng độ cồn bà Thúy và ông Hồ Trọng Hiếu, Phó chánh án TAND H.Đức Trọng (ngồi trên ô tô gây tai nạn - PV), lực lượng chức năng ghi nhận vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Sau tai nạn, các nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu và điều trị. Ngày 20.3, bà X. đã xuất viện.
Theo Công an H.Đơn Dương, quá trình bà X. nằm viện, phía bà Thúy đã đến thăm hỏi và bồi thường thiệt hại. Bà X. và chị K. từ chối giám định thương tật và có đơn xin bãi nại cho bà Thúy. Trên cơ sở đó, CQĐT không khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Phan Bảo Thúy. Lãnh đạo Công an H.Đơn Dương cho biết trong suốt quá trình điều tra vụ việc có sự giám sát của Viện KSND H.Đơn Dương.
Việc CQĐT không khởi tố vụ án khiến dư luận bức xúc. Trên Thanhnien.vn, nhiều bạn đọc cho rằng CQĐT không khởi tố vụ án sẽ khó đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhất là khi tình trạng sử dụng chất kích thích lái xe gây tai nạn nghiêm trọng gây bức xúc thời gian qua.
Bị hại từ chối giám định, không có căn cứ để khởi tố?
Phân tích về vụ việc, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng bà Thúy lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá quy định và sau khi gây tai nạn thì điều khiển phương tiện bỏ chạy, để mặc nạn nhân là đã cấu thành tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điều 260 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Ngoài ra, theo LS Hậu, thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe bà Thúy chở 3 thẩm phán thì cũng cần làm rõ vai trò của 3 thẩm phán này khi không yêu cầu tài xế dừng phương tiện, mà bỏ chạy.
Về việc CQĐT không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can sau vụ tai nạn do người bị hại từ chối giám định và có đơn bãi nại, LS Lê Quang Vũ, Đoàn LS TP.HCM, cho biết khoản 3, điều 29 BLHS nêu người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
“Cấu thành cơ bản của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, là người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Đồng thời, theo điều 9 phân loại tội phạm của BLHS thì tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù. Vụ TNGT tại Lâm Đồng do bà Thúy gây ra, thuộc trường hợp có thể thuộc trường hợp nghiêm trọng, nếu bị hại chịu giám định thương tật và kết quả giám định tổn thương cơ thể là 61% trở lên. Nhưng do bị hại không giám định thương tật và đồng ý viết đơn bãi nại nên theo các quy định trên, vụ án không đủ căn cứ khởi tố vụ án. Vì loại tội phạm như TNGT nếu có khởi tố vụ án cũng có thể miễn trách nhiệm hình sự như khoản 3 điều 29 BLHS năm 2015”, LS Vũ phân tích.
Đồng tình, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Võ Văn Thêm cho rằng hành vi của bà Thúy và các thẩm phán ngồi trên xe gây tai nạn rồi bỏ chạy là sai, tuy nhiên do bị hại từ chối giám định nên không đủ cơ sở để khởi tố vụ án hay truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân gây
tai nạn liên quan. “Tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nên dù người bị hại có làm đơn bãi nại thì nếu có căn cứ vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt do người bị hại từ chối giám định tỷ lệ thương tật cho nên CQĐT không khởi tố vụ án là phù hợp”, ông Thêm nói.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong vụ việc này, cần làm rõ có hay không việc tác động để bị hại không giám định thương tật và làm đơn bãi nại. LS Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn LS TP.HCM, phân tích nếu sau này bị hại thay đổi, làm đơn đề nghị khởi tố và yêu cầu được giám định tỷ lệ thương tật, đồng thời chứng minh việc họ không yêu cầu giám định trước đó là trái với ý muốn do bị tác động, thì cơ quan tố tụng vẫn điều tra, truy tố nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội.
Hai thẩm phán chỉ bị... phê bình
Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Quang Cảnh, Chánh án TAND H.Đơn Dương, cho biết đã tổ chức kiểm điểm đối với hai thẩm phán Luyện Thanh Sơn và Dương Văn Vũ, là hai người ngồi trên ô tô lúc tai nạn xảy ra. Hai thẩm phán Sơn và Vũ cũng đã nhận sai phạm, là cán bộ ngồi trên ô tô lúc tai nạn xảy ra nhưng không yêu cầu nữ tài xế dừng xe để giữ nguyên hiện trường và không báo cho CSGT đến xử lý vụ việc.
Cũng theo ông Cảnh, sau khi tai nạn xảy ra, hai thẩm phán Sơn và Vũ xuống xe, có gọi xe khác tới chở bà X. và chị K. đi bệnh viện cấp cứu, sau đó hai thẩm phán đón xe khác để về nhà. Còn bà Thúy tiếp tục chở thẩm phán Hồ Trọng Hiếu, Phó chánh án TAND H.Đức Trọng, về nhà ông Hiếu ở H.Đức Trọng. Quá trình bà X. điều trị tại bệnh viện, các thẩm phán đều đến thăm hỏi, động viên.
Ông Cảnh cho biết với các sai phạm trên, hai thẩm phán Sơn và Vũ bị phê bình trước toàn cơ quan và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong khi đó, việc kiểm điểm, xử lý với thẩm phán Hồ Trọng Hiếu, người tiếp tục ngồi trên chiếc xe gây tai nạn rồi bỏ chạy, ra sao vẫn chưa có thông tin chính thức.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý như vậy là chưa nghiêm, đặc biệt với những người “cầm cân nảy mực” khi xử án, hiểu biết pháp luật nhưng lại có hành vi tiếp tay cho người vi phạm pháp luật. Đồng tình, ông Võ Văn Thêm cho rằng cần kiểm điểm trách nhiệm vai trò, đạo đức nghề nghiệp đối với các thẩm phán ngồi trên xe về hành vi “đồng phạm” gây tai nạn rồi bỏ chạy, không chỉ đơn giản là phê bình trước toàn cơ quan.
Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc cũng liên tưởng đến vụ ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư ở Q.4 (TP.HCM) sau gần nửa tháng điều tra vẫn chưa công bố kết quả. “Cần khởi tố vụ án. Bởi cán bộ trong ngành pháp luật mà vi phạm pháp luật thì càng phải xử lý nghiêm minh”, một bạn đọc bày tỏ. |