Vì sao Tập đoàn Dầu khí dùng mệnh lệnh hành chính “ép” hợp đồng kinh tế?

Thứ năm - 04/10/2018 21:24
(LĐO) - Ngày 3.10.2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bất ngờ nhận được văn bản của Cty Cổ phần nhựa Opec kiến nghị PVN không dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào các hợp đồng kinh tế.
Vì sao Tập đoàn Dầu khí dùng mệnh lệnh hành chính “ép” hợp đồng kinh tế?
Kế hoạch sản xuất của Opec bị tác động mạnh theo hướng tiêu cực sau khi BSR cắt giảm mạnh khối lượng đã ký với hàng loạt khách hàng. Ảnh: OPEC

Theo Opec, điều này không chỉ ảnh hưởng đến các đơn hàng của Cty mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của hơn 800 lao động.

Phía sau một cuộc giải cứu

Cty Cổ phần nhựa Opec (Opec) thành lập năm 2009 với ngành nghề kinh doanh chính là phân phối hạt nhựa nguyên sinh và sản xuất bao bì, tỉ trọng xuất khẩu chiếm 60%. Với 800 người lao động (NLĐ), năm 2017, Opec nộp thuế gần 300 tỉ đồng và dự kiến nếu không có biến động lớn thì khoản tiền nộp ngân sách sẽ cao hơn.

Thế nhưng, kế hoạch sản xuất của Opec bị tác động mạnh theo hướng tiêu cực sau khi PVN có chỉ đạo Cty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cắt giảm mạnh khối lượng mà BSR đã ký với hàng loạt khách hàng, trong đó có Opec.

Cụ thể, năm 2017, BSR đã ký hợp đồng có thời hạn 3 năm (2018 - 2021) bán hạt nhựa PP cho 5 khách hàng là Opec, Cty Cổ phần hóa chất nhựa Đà Nẵng, Cty Cổ phần thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung, TCty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC), Cty Cổ phần nhà và thương mại dầu khí. Tổng số hạt nhựa theo hợp đồng là 13.000 tấn/tháng, giá thỏa thuận là 15USD/tấn.

Điều đáng nói là ngày 25.7.2018, BRS bất ngờ tổ chức cuộc họp với 5 khách hàng trên để thông báo về việc sẽ cắt giảm 35% khối lượng đã ký (tương đương 4.500 tấn/tháng) cho Cty An Phát Holding, lý do là nhằm thực hiện chỉ đạo của PVN trong việc khởi động lại nhà máy PVtex vốn đã thua lỗ nhiều năm và cần giải cứu. Việc này khiến tất cả các đối tác của BSR bất ngờ và phản đối kịch liệt.

Tại cuộc họp trên, đại diện của Opec cho rằng, việc An Phát đề xuất giúp PVtex với điều kiện là được mua lượng PP tương đương 35% sản lượng tiêu thụ của BSR là sự đánh đổi không chính đáng bởi PP không phải là nguyên liệu để PVtex sản xuất xơ sợi.

“PVN và BSR dựa vào đâu chọn An Phát để phân phối PP trong khi các nhà phân phối hiện tại của BSR vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình, chấp hành đúng cam kết trong hợp đồng, đảm bảo an ninh, an toàn cho BSR” - đại diện cho Opec nói.

Tương tự, đại diện của Cty Cổ phần hóa chất Nhựa Đà Nẵng cũng nêu quan điểm: “Việc cắt bớt sản lượng đã ký kết để chuyển giao cho đơn vị khác là tiềm ẩn rủi ro về tính hiệu quả, cả về mặt pháp lý cũng cần để các bên xem xét toàn diện. Đây là điều mà Cty chúng tôi không đồng thuận bởi đây là bước lùi trong kế hoạch kinh doanh đã xây dựng”.

Cũng cần nói thêm, liên quan quan đến phương án giải cứu PVtex, An Phát Holdings dùng Cty mới tinh là Cty Cổ phần xơ sợi An Sơn (thành lập ngày 10.4.2018) ký hợp đồng gia công với PVtex để chạy 10 máy, chiếm 3% công suất của PVtex. An Sơn chỉ có vốn điều lệ là 10 tỉ đồng, lại không có kinh nghiệm về kinh doanh xơ sợi. Thế nhưng PVN vẫn gật đầu cho PVtex (Cty con thuộc PVN) ký với An Sơn - đơn vị được ủy quyền bởi Cty Cổ phần An Phát Holdings (thành viên của Tập đoàn An Phát) để sản xuất DTY.

Đổi lại, điều kiện là PVtex hỗ trợ An Phát Holdings mua 35% sản lượng của BSR trong 5 năm, giá trị ước tính gần 150 tỉ đồng/tháng. Theo một con số được PVN công bố thì 3 tháng sau khi giải cứu PVtex, sản lượng xơ sợi chỉ là 500 tấn trong khi công suất của PVtex là 15.000 tấn/tháng. Phần hỗ trợ cho thấy PVtex khởi động không đáng kể trong khi phần đổi lại cho An Phát là quá lớn.

Sản xuất đình trệ, người lao động lao đao

Trong công văn gửi ngày 3.10.2018, Opec cho biết: “Cách làm không tuân thủ pháp luật, quy trình về lựa chọn đối tác, bỏ qua các cam kết hợp đồng đã ký đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống khách hàng của chúng tôi, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Các nhà phân phối có nguy cơ bị các khách hàng đầu ra khởi kiện, đền bù hợp đồng. Đồng thời ảnh hưởng lớn tới công ăn việc làm và thu nhập của hàng nghìn người lao động trong ngành nhựa Việt Nam, tạo hình ảnh xấu tới môi trường kinh doanh đầu tư ở Việt Nam”.

Trong khi đó, Cty Cổ phần hóa chất Nhựa Đà Nẵng cũng nêu ý kiến: “Căn cứ vào hợp đồng tiêu thụ PP giai đoạn 2018 - 2021 đã ký trước đó với BSR, P&C Đà Nẵng đã mở bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh thanh toán với các khách hàng tiêu thụ sản phẩm PP.

Việc cắt giảm sản lượng đầu vào sẽ làm bể vỡ toàn bộ kế hoạch tài chính đã xác lập với phía ngân hàng, ảnh hưởng đến khối lượng hàng PP đã ký kết dẫn đến hệ lụy về tranh chấp kiện tụng các hợp đồng đã ký rất lớn”.

Cục phòng chống tham nhũng vào cuộc

Liên quan đến việc cắt giảm khối lượng PP của các đối tác cũ để chuyển cho đối tác mới (ở đây là An Phát Holdings), ngày 15.8.2018, Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã có văn bản số 189 gửi Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.

Theo công văn này, Cục phòng chống tham nhũng đã nhận được thông tin về việc trong 6 tháng đầu năm, BSR đã có 4 lần bán số hàng chênh lệch rất lớn. Cụ thể 2 lần bán với giá 15USD/tấn, 2 lần bán giá 52USD/tấn. Tổng khoản tiền chênh lệch gần 3 triệu USD.

Ngoài ra, thông tin cũng cho biết, dự kiến 6 tháng cuối năm 2018, BSR cũng sẽ bán 12.000 tấn với giá chỉ 15USD/tấn gây thiệt hại dự kiến gần 500.000USD. Cục phòng chống tham nhũng cũng đã yêu cầu BSR cung cấp bản sao hợp đồng bán số nhựa với các đối tác, tài liệu thỏa thuận để xem xét.

Riêng với vấn đề BSR bắt đối tác của mình “nhường” sản lượng tới 35%, Opec kiến nghị PVN không dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào các hợp đồng kinh tế của BSR với khách hàng. Trong trường hợp PVN không có các giải pháp phù hợp, Opec sẽ gửi văn bản lên cấp cao hơn để xử lý.

 

Tác giả bài viết: LINH ANH

Nguồn tin: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây