Nói điều này trong cuộc họp chiều 26/5, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của mặt hàng xăng (bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng) của Việt Nam là 37,49%. Tỷ lệ này theo ông là thấp so với nhiều nước, ví dụ như tại Hàn Quốc, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở lên tới hơn 70%, Campuchia khoảng 40%, Lào là 56%, Philippines khoảng 62%, Thái Lan là 67%,…
Từ đó, ông Thi cũng dẫn số liệu thống kê của trang Global Petrol Prices ngày 22/5 cho thấy, giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam đang thứ 40 trong số 170 nước được thống kê theo thứ tự từ thấp tới cao. Điều này theo ông đồng nghĩa có 130 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam. Một số nước trong khu vực được ông tính toán hiện có giá cao hơn Việt Nam như: Campuchia (thứ 58), Lào (thứ 95), Philippines (thứ 57),..
Không phủ nhận thu nhập của người dân mỗi nước là khác nhau nhưng ông Thi khẳng định, giá xăng dầu là giá chung của thế giới và giá các nước cao hơn Việt Nam do tỷ lệ thuế trong giá cao.
Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, một trong những lý do cơ quan chức năng đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ mức trần 4.000 đồng/lít hiện tại lên mức cao nhất 8.000 đồng/lít nhằm tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam và các nước có chung đường biên giới.
Ngoài ra, một lý do quan trọng khác theo ông là nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
Khẳng định mức đề xuất 3.000-8.000 đồng/lít chỉ là khung, đại diện Bộ Tài chính nhắc lại, mức thuế cụ thể phải do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định. Tuy nhiên, ông Thi cũng nhấn mạnh quan điểm, nếu có điều chỉnh, cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tới đời sống người dân và tùy điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ.
Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường sẽ xin ý kiến các bộ, ban, ngành và trình Chính phủ trong tháng Bảy, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng Mười./.
Nguồn tin: Vietnamplus
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn