Để triển khai thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu như Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết 42, Thủ tướng mới đây đã yêu cầu các lãnh đạo cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo triển khai các quy định tại Nghị quyết.
Theo đó, cơ quan liên quan phải triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh trong tương lai và nâng cao chất lượng tín dụng tại các TCTD, công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cần tăng cường xử lý nợ xấu.
Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại tại các TCTD kiểm soát dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành phổ biến Nghị quyết trước ngày 15/8.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn mua bán nợ xấu của VAMC trước ngày 15/8.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại các TCTD hiện nay dưới 3% dư nợ, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC tỷ lệ này lên tới 10,8% dư nợ cho vay nền kinh tế. Đồ họa: Quang Thắng. |
Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp thực hiện quy định về thi hành án liên quan đến nợ xấu của TCTD, VAMC theo quy định. Đồng thời, tập trung thực hiện các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã có hiệu lực pháp luật.
Đối với Bộ Công an, ông yêu cầu cơ quan công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, VAMC thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xử lý theo quy định tại Nghị quyết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định.
Đối với các khoản nợ xấu liên quan đến ngân sách nhà nước, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách trung ương và nợ xấu của chương trình cho vay.
NHNN có trách nhiệm giám sát, thanh tra các TCTD, VAMC trong việc thực hiện Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết trước ngày 15/8.
Bên cạnh đó, NHNN phải sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản trị điều hành của TCTD, đặc biệt là quản trị rủi ro, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản về cấp tín dụng của TCTD để hạn chế nợ xấu phát sinh…
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, trong đó quy định một số biện pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của nợ xấu nhằm tháo gỡ các khó khăn liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các TCTD.
Tác giả bài viết: Quang Thắng
Nguồn tin: news.zing.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn