Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Thứ năm - 13/07/2017 18:54
(Phapluat News) - Chuyện kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp đổi chủ hay cổ phiếu rớt giá là những yếu tố khiến tổng trị giá tài sản và tên tuổi nhiều ông chủ “bay hơi” nhanh chóng. Top những người giàu trên sàn chứng khoán, cũng vì thế, liên tục “đổi ngôi”.
Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

 

 

Điểm danh những cái tên đình đám

Năm 2006, lần đầu tiên một tờ báo điện tử thực hiện xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán (TTCK) thông qua tính toán toàn bộ trị giá cổ phiếu họ đang nắm giữ. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khi đó trở thành người đầu tiên giàu nhất trên TTCK. Thời điểm đó, ông Bình nắm giữ 5,12 triệu cổ phiếu FPT, ước tính theo giá khớp lệnh ngày 29/12/2006 (460.000 đồng/cổ phiếu), tài sản của ông Bình đạt gần 2.400 tỷ đồng. Cuối năm 2016, với tổng tài sản là 1.438 tỷ đồng, ông Bình xếp thứ 17 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Người giàu nhất TTCK năm 2007 là ông Đặng Thành Tâm, người sở hữu hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là: CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cùng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) với tổng tài sản ước tính lên đến 6.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại hết năm 2016, tài sản của ông Tâm chỉ còn 1.226 tỷ đồng, đưa ông vào xếp vị trí 20 trong bảng xếp hạng.

Năm 2008, lần đầu tiên cổ phiếu HAGL (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) của ông Đoàn Nguyên Đức được niêm yết. Với trị giá tài sản thời điểm đó đạt 6.159 tỷ đồng, ông Đức thẳng tiến ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán. Dù ngôi vị quán quân sau này để tuột khỏi tay nhưng liên tục nhiều năm liền, bầu Đức đứng ở vị trí thứ 2 trên sàn chứng khoán. Phải đến cuối năm 2015, với việc HAGL gánh số nợ hơn 33.000 tỷ đồng từ các hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015, ông Đức mới bị rớt hạng. Cuối năm 2016, ông đứng thứ 12 trong danh sách.

Trụ vững ở vị trí số 1 trong Top 10 người giàu nhất TTCK Việt Nam từ năm 2009 “xuyên suốt” các năm đến nay – duy nhất có tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, ông chủ Tập đoàn Vingroup. Trong 2 năm liên tiếp trở lại đây, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng rất ổn định và luôn tăng. Đến nay, theo tính toán, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là cái tên đứng đầu bảng danh sách này với trị giá cổ phiếu VIC nắm giữ tương đương 31.851 tỷ đồng.

Ngoài ngôi vị số 1, Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán cuối 2016 đầu năm 2017 còn ghi nhận các tên tuổi lần lượt nối vị trí ông Vượng như sau: Ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) tài sản theo trị giá cổ phiếu ước đạt 30 ngàn tỷ đồng; Ông Phạm Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) ước tính tài sản 9.140 tỷ đồng; Bà Phạm Thu Hương (Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup) ước 5.243 tỷ đồng; Ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch HĐQT Thế giới di động) ước 3.588 tỷ đồng; Bà Phạm Thuý Hằng, (Phó Chủ tịch Vingroup) ước 3.200 tỷ đồng; Bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Phạm Đình Long) ước 2.900 tỷ đồng; Bà Vũ Thị Khanh (thành viên HĐQT Vĩnh Hoàn) với 2.634 tỷ đồng; Bà Nguyễn Hoàng Yến (thành viên HĐQT Tập đoàn Masan) ước 1.806 tỷ đồng.

Biến động khó lường

Những gương mặt đình đám trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: T.L.© Những gương mặt đình đám trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: T.L.


Năm 2013, sau nhiều năm có tên trong Top 10 và Top 20, cha con ông Đặng Văn Thành (từng là Chủ tịch HĐQT NHTM cổ phần Sacombank và con trai Đặng Hồng Anh (chủ tịch Sacomreal) đã vắng mặt trên bảng vàng. Câu chuyện cha đẻ Sacombank bất ngờ “thất bát” đến giờ vẫn là bài học bí ẩn của các đại gia. Tương tự, ông chủ Tập đoàn Đại Dương – Hà Văn Thắm sau hai năm đình đám được vinh danh đã “rớt” đài khi dính vào vòng lao lý.

Năm 2016, vào “phút chót”, khi chỉ còn 3 phiên giao dịch là kết thúc năm, hơn 589,3 triệu cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va lên sàn. Ông chủ của Novaland là Bùi Thành Nhơn lập tức sở hữu khối tài sản khổng lồ và chiếm luôn vị trí người giàu thứ tư trên sàn chứng khoán. (Vị trí này trước đó thuộc về bà Phạm Thu Hương – Phó chủ tịch Vingroup). Cũng vì đột ngột “lọt” Top 10 mà ông Nhơn đã “vô tình” đẩy bật ông Đoàn Nguyên Đức xuống vị trí thứ 12 vào lúc đó.

Tuy nhiên, trước diễn biến dòng tiền liên tục đổ vào TTCK thời gian gần đây và những thay đổi tích cực từ doanh nghiệp, một vài tên tuổi đang hồi phục trở lại. Đơn cử như cổ phiếu của CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) đã tăng phi mã từ mức dưới 5.000 đồng lên sát 30.000 đồng trước ngày đại hội cổ đông 29/6/2017, khiến bà Như Loan – Chủ tịch HĐQT trở lại vị trí người giàu thứ 11 trên sàn chứng khoán với trị giá cổ phiếu sở hữu hơn 2.900 tỷ đồng.

Tương tự, với việc hai mã cổ phiếu HAG và HNG phục hồi ấn tượng, cuối tháng 6/2017, thị trường đã ghi nhận việc trở lại vị trí thứ 10 trên sàn chứng khoán của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai. “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ HAG. Sau này khi HAG làm ăn có lãi, chia cổ tức thì tôi sẽ lấy tiền đó mua lại số cổ phiếu đã mất”- ông Đức trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức chiều 30/6/2017.

Ngoài những tên tuổi trong Top 10, trên sàn chứng khoán còn có các tên tuổi khác khá bền bỉ thường xuyên góp mặt với cả những tên tuổi cũ, mới như, ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch SSI và PAN); ông Đỗ Hữu Hạ (Tập đoàn Hoàng Huy), ông Lê Phước Vũ (Tập đoàn Tôn Hoa Sen), ông Nguyễn Văn Đạt (Phát Đạt)...

Nói về những cái tên trên bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán, một chuyên gia rất rành về thị trường cho rằng, điều này chỉ phản ánh phần nào thực tế (có khá nhiều trong Top xếp hạng giàu đều là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản). “Vấn đề lõi không phải là danh sách người giàu là ai mà cần quan tâm xem ai trong số họ làm được gì, điều đó mới hay”, vị này nói.

Ở một “sân chơi” khác - tại bảng xếp hạng danh sách tỷ phú USD mới nhất của Forbes công bố tháng 3/2017, Việt Nam chỉ có 2 tỷ phú USD thế giới là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, với khối tài sản ròng đạt 2,4 tỷ USD và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Vietjet Air với 1,2 tỷ USD. Việc ông Trịnh Văn Quyết không có tên trong danh sách do Forbes công bố được đại diện truyền thông Forbes châu Á chia sẻ: “Hiện nay, Forbes vẫn trong quá trình theo dõi khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết”. Theo giới phân tích, khối tài sản của ông chủ FLC luôn biến động thất thường với hơn 98% phụ thuộc vào biến động của thị giá cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán khi tăng cao, lúc lại giảm mạnh.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây