Ngân hàng bối rối vì ‘hộ gia đình không được vay tiền’

Thứ ba - 28/02/2017 07:39
(PL News) - Theo đại diện ngân hàng nhà nước, hiện nay có sự không đồng bộ của các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng bối rối vì ‘hộ gia đình không được vay tiền’

Hôm qua (27-2), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Thông tư 39/2016 và Thông tư 43/2016. Hai thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-3-2017.

Phát biểu tại đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Hai thông tư mới này có tác động rất lớn đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như vai trò quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ và tín dụng”.

Không đủ tư cách chủ thể vay vốn

Đại diện NHNN lý giải Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. Để thực hiện nội dung mới này, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016 quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng phải là pháp nhân, cá nhân.

Cụ thể, từ ngày 15-3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Họ chỉ có thể vay vốn với tư cách là doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Trước quy định này, nhiều ngân hàng cho biết họ đang gặp lúng túng. Đại diện một ngân hàng thương mại thắc mắc: Theo BLDS 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân nhưng vẫn có giấy đỏ của hộ gia đình (ví dụ trên giấy đỏ ghi là “hộ gia đình” thì đất đó có khi không phải là tài sản riêng của một người mà chia làm nhiều phần). Vậy trong trường hợp này các ngân hàng phải ký kết hợp đồng tín dụng với tư cách gì?

Ngân hàng bối rối vì ‘hộ gia đình không được vay tiền’ - 1

Hộ kinh doanh ở các chợ sỉ, chợ đầu mối cần lượng vốn lớn để lấy hàng. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Vẫn có trường hợp ngoại lệ

Trả lời thắc mắc trên, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, cho biết đây đúng là trường hợp ngoại lệ. Ngay cả trong BLDS 2015 cũng xem đây là đối tượng được ngoại trừ. Theo đó, tất cả chủ thể theo bộ luật trên là cá nhân hoặc pháp nhân, trừ trường hợp hộ gia đình sử dụng đất thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Ông Sơn giải thích thêm: “Vì không muốn xáo trộn quan hệ đất đai trong rất nhiều thời kỳ trước đây đã cấp giấy đỏ theo hộ gia đình, cho nên việc sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình để làm tài sản bảo đảm thì vẫn ký kết hợp đồng theo đúng như giấy đỏ, tức là hộ gia đình. Đây là ngoại lệ”.

Đại diện Ngân hàng Á Châu đặt vấn đề: “Đối với trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng theo hạn mức trước ngày 15-3 nhưng giải ngân sau thời điểm trên thì hình thức vay nợ này được ký với tư cách là cá nhân hay tư nhân?”.

Đáp lời, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định: Đối với các hợp đồng thỏa thuận cho vay đã ký kết và có hiệu lực trước ngày Thông tư 39 có hiệu lực (ngày 15-3) thì tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã ký. Chỉ khi nào bổ sung hợp đồng đã có hiệu lực đó thì trong nội dung sửa đổi bắt buộc phải phù hợp với quy định tại Thông tư 39.

Chẳng hạn trong trường hợp tất cả điều khoản cấp hạn mức tín dụng ban đầu đã có những nội dung bắt buộc theo quy định tại Thông tư 39 thì khi ký giấy nhận nợ nữa, tổ chức tín dụng không phải bổ sung hợp đồng. Nghĩa là vẫn ký nhận nợ với khách hàng doanh nghiệp hoặc tư nhân bình thường theo hướng quy định trước đây.

Bất cập nhưng vẫn phải tuân thủ

Một số ngân hàng cho rằng khi người đứng tên vay và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân thì đương nhiên họ sẽ phải chịu điều chỉnh lãi suất theo cá nhân thông thường.

Tức là họ sẽ không còn được hưởng một số lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích hộ sản xuất, kinh doanh như trước đây nữa. Trong khi hiện nay có hàng triệu hộ kinh doanh cá thể được hưởng chính sách riêng để khuyến khích đối tượng này phát triển.

Đề cập đến nội dung trên, đại diện Ngân hàng An Bình hỏi: “Một số đối tượng lâu nay được hỗ trợ vay từ các chính sách ưu tiên của Nhà nước. Sau ngày 15-3, họ có được tiếp tục ưu tiên theo những chính sách của Chính phủ cũng như NHNN hay không?”.

Đại diện NHNN, ông Sơn phân tích: “BLDS đã ban hành từ năm 2015 và có một năm để triển khai thực hiện quy định này. Tuy nhiên, các văn bản luật liên quan đến Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn luật này thì không có bất kỳ sự điều chỉnh nào. Điều này đã dẫn đến vướng mắc rất lớn. Trong đó có những điều liên quan đến quyền lợi của người đi vay với tư cách cá nhân sẽ không còn được hưởng ưu đãi như khi đi vay với tư cách là hộ kinh doanh”.

Thiếu đồng bộ

Thừa nhận “đây là sự không đồng bộ của văn bản pháp luật” nhưng ông Sơn nhấn mạnh: “Về góc độ ngân hàng thì chúng ta là một bên tham gia vào quan hệ này mà BLDS có hiệu lực rồi, do vậy không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ. Nếu không tuân thủ thì rủi ro sẽ rơi vào phía các tổ chức tín dụng”.

Tuy vậy, ông Sơn cũng đề nghị các ngân hàng gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 39 thì tiếp tục phản ánh với NHNN. cơ quan này sẽ tập hợp và phản ánh đến các cơ quan liên quan để sửa đổi quy định.

Lâu nay tùy từng ngân hàng nhưng để khuyến khích hộ gia đình kinh doanh, lãi suất dành cho đối tượng này thường thấp hơn khoảng 0,5%-1%/năm so với cho cá nhân vay kinh doanh. Tới đây có thể họ sẽ không còn được hưởng các ưu đãi về lãi suất nữa.

 

 

Tác giả bài viết: Theo Thùy Linh (Pháp Luật TPHCM)

Nguồn tin: 24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây