Truyền thông Mỹ đã có một đúc kết đầy chuẩn xác sau nhiều năm các mạng xã hội thăng hoa, đó là giới trẻ không còn dùng đến email nữa, Facebook chỉ dành cho các bậc phụ huynh và Snapchat thì dành riêng cho những cô cậu ở độ tuổi từ 25 trở xuống. Sức hút của Snapchat là bởi tính năng tin nhắn, hình ảnh có thể tự huỷ chỉ sau một thời gian ngắn. Chính sự riêng tư này đã trở thành nơi giới trẻ tìm đến để "sống thật" với chính bản thân mình.
Là một doanh nhân trẻ nổi lên từ đế chế của mạng xã hội tự huỷ tin nhắn Snapchat từ ý tưởng mọi người thích chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống của họ ngay lập tức và thường xuyên, Evan Spiegel bị ám ảnh bởi tính riêng tư.
Evan Spiegel gần như không tweet hay đăng tải hình ảnh trên Instagram. Thực tế, giới truyền thông vẫn thường nói cách dễ nhất để tìm kiếm ảnh của Spiegel đó chính là “theo dõi” (follow) vị hôn thê của anh là người mẫu Úc Miranda Kerr.
Nhà đồng sáng lập kiêm CEO công ty Snap mới vỏn vẹn 26 tuổi này là “cha đẻ” của mạng xã hội Snapchat đang “gây bão” trên thị trường chứng khoán Mỹ khi vừa công bố phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với kế hoạch sẽ huy động được 3 tỷ USD. Khi công ty này chính thức lên sàn thì giá trị ước tính có thể lên tới 25 tỷ USD hoặc hơn thế nữa.
Điều này có nghĩa Spiegel và đồng sáng lập Bobby Murphy cùng sở hữu 20% cổ phần công ty sẽ “bỏ túi” số tiền lên tới 5 tỷ USD.
Sự khởi đầu của Spiegel dường như chỉ như là một trò chơi và chưa bao giờ nghĩ tới việc có lãi. Tuy nhiên, Spiegel đã tận dụng cơ hội từ sự thành công của CEO Facebook Mark Zuckerberg với ứng dụng Instagram để tạo sự đặc biệt trong trải nghiệm người dùng với Snapchat.
Bên cạnh Snap, Evan Spiegel còn mở công ty sản xuất thiết bị đeo được Spectacles để có thể đăng tải đoạn video 10 giây lên Snapchat.
Chàng trai 26 tuổi không lựa chọn Silicon Valley để khởi nghiệp mà anh mở công ty tại Venice Beach ở California.
“Chúng tôi yêu Los Angeles, văn phòng của chúng tôi gần bờ biển và thực sự rất đẹp. Một điều thật tuyệt vời khi có một không gian tĩnh lặng để chúng tôi tập trung vào công việc”, Spiegel từng nói vào năm 2015.
Spiegel là con trai của 2 luật sư thành công và lớn lên trong nhung lụa tại Los Angeles. Thời còn học phổ thông, chàng trai tài năng này đã viết ra một bản kế hoạch chi tiêu để thuyết phục bố mẹ mình rằng anh xứng đáng được hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 2.000 USD.
Tuy nhiên, Spiegel bỏ ngang thời sinh viên của mình tại đại học lừng danh Stanford để dành toàn bộ thời gian cho Snapchat. Năm 2013, Facebook từng cố gắng để mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD. Tại thời điểm đó lúc mới chỉ 23 tuổi, Spiegel đã từ chối món tiền lớn như vậy. Giới truyền thông thì tỏ ra ngờ vực. Tại sao một chàng trai bỏ học nửa chừng lại đóng cửa với Zuckerberg? Trên trang Forbes, Spiegel trả lời: “Chỉ có rất ít người trên thế giới nghĩ tới việc kinh doanh như thế này. Tôi nghĩ bán đi một thành quả mới chỉ đạt được trong ngắn hạn là điều không hay chút nào”.
Snapchat đặc biệt phổ biến trong giới trẻ Mỹ.
Tại một buổi nói chuyện tại trường Đại học USC Marshall, Spiegel cũng nói quyết định của anh có đôi chút khác biệt. “Tôi thường xuyên được hỏi một câu hỏi giống nhau, đó là Tại sao không bán công ty của mình?”.
Spiegel ban đầu có ý định xây dựng Snapchat thành một nền tảng mạng xã hội nơi người dùng có thể sống những khoảnh khắc thật nhất, không cần phải chải chuốt màu mè.
Snapchat hiện có 160 triệu người dùng mỗi ngày, với 60 triệu người dùng ở Mỹ và Canada. Những người dùng này dành 25-30 phút mỗi ngày trên mạng xã hội tự huỷ tin nhắn này.
Snap quyết định lên sàn chứng khoán tại thời điểm này được đánh giá là quan trọng, đặc biệt khi mà Facebook dường như đang tích cực “nhái” theo ứng dụng Snapchat. Điển hình như là tính năng Instagram Stories ít hay nhiều cũng là phiên bản sao chép từ Snapchat Stories mặc dù người dùng vẫn yêu thích tính năng này trên Snapchat hơn
Tác giả bài viết: Khôi Linh
Nguồn tin: Theo CNBC, LA Times
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn