Chuộng xài đồ Hàn Quốc, giảm dần phụ thuộc hàng Trung Quốc

Thứ năm - 20/07/2017 22:30
(Phapluat News) - Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực vào cuối 2015, hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam gần đây  tăng đột biến. Mức độ thâm hụt thương mại từ Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc. Đây là diễn biến mới đang được theo dõi và nhìn nhận dưới nhiều góc độ.
Chuộng xài đồ Hàn Quốc, giảm dần phụ thuộc hàng Trung Quốc

 

 

Trung Quốc chưa đồng ý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam
Phải nhập khẩu hàng trăm triệu tấn than chạy nhiệt điện
Hàng Trung Quốc 'rất tệ', sao người Việt lại mua?


Chưa từng có trong lịch sử thương mại

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy Hàn Quốc đã bất ngờ vượt qua 3 thị trường là Mỹ, EU, và ASEAN để trở thành đối tác thương mại lớn lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 29,12 tỷ USD.

Trong đó, nhập siêu từ Hàn Quốc đã tăng đột biến. Các số liệu cho thấy Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Tuy Trung Quốc vẫn là nơi Việt Nam nhập nhiều hàng hóa nhất với gần 27 tỷ USD, nhưng Hàn Quốc lại là “địa chỉ” mà Việt Nam thâm hụt thương mại lớn nhất (nhập khẩu từ Hàn Quốc nhiều hơn xuất khẩu hàng hóa sang Hàn). 

Hàn Quốc, nhập khẩu,nhập siêu,thương mại,fta, hàng trung quốc
Nhập siêu với Hàn Quốc một phần quan trọng là từ "nhân tố" Samsung.


Nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh (22,5 tỷ USD, tăng tới 51,2%) khiến thâm hụt thương mại với Hàn Quốc vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc qua đó tăng lên mức 15,99 tỷ USD, so với mức 13,72 tỷ USD của Trung Quốc.

Đây là điều mà ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, phải thốt lên là “chưa từng có trong lịch sử thương mại”.

Nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh cũng khiến các cơ quan quản lý chú ý, song các đánh giá đều khá bình tĩnh khi nhìn cơ cấu hàng nhập khẩu từ quốc gia này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu trên 50% trong 6 tháng đầu năm 2016, Hàn Quốc đã trở thành đối tác cung ứng hàng hóa lớn thứ hai cho thị trường Việt Nam, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị cho các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu đang được quốc gia này đầu tư vào Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng ghi nhận 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tiếp tục tăng cao từ khu vực thị trường châu Á, đặc biệt là mức tăng cao kỷ lục từ thị trường Hàn Quốc. Nguyên nhân chủ yếu được Bộ này chỉ ra là do nhập khẩu phục vụ máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất của nhà máy Samsung.

Trong khi đó, nhìn nhận mức độ thâm hụt thương mại với Hàn Quốc, TS Nguyễn Đức Thành cũng nhận xét: Điều này cùng với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chính phản ánh xu hướng phụ thuộc về thương mại vào một số doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung.

Thực tế, trong số 22,5 tỷ USD nhập khẩu từ Hàn Quốc, có tới gần 15 tỷ USD là máy móc, thiết bị phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện. Những nhóm hàng này gắn chặt với quá trình xây dựng, đầu tư của Samsung ở Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, CEO Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello, nhận xét: Nếu nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thì là tích cực. Còn nếu nhập khẩu hàng tiêu dùng thôi thì đó là câu chuyện khác.

Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc.


“Thay đổi nhanh quá”

Trao đổi với PV.VietNamNet, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia), cho rằng: Đây là điều tất yếu và không tránh được. Khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, người ta cũng đã lường đến tình huống sẽ thay đổi cơ cấu nhập khẩu. Đương nhiên khi ấy, nhập khẩu từ Hàn sẽ tăng và đó cũng là mục đích của mình trong đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào 1 thị trường.

“Thay đổi nhanh quá thì mọi người giật mình thôi”, ông Thắng nói.

Nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, ông Trần Toàn Thắng phân tích: Về cơ bản đây không phải vấn đề gì lớn vì nếu không nhập từ Hàn chúng ta cũng phải nhập từ Trung Quốc. Trong khi chúng ta đang cố gắng giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc, hướng đến đa dạng, cân đối nhiều thị trường thì đó là chuyện bình thường, không có gì là đáng lo ngại cả.

Ông Thắng cũng lưu ý không nên nhìn phụ thuộc thương mại với góc nhìn “quá tiêu cực”. Bởi khi ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn chưa đạt được trong ngắn hạn, thì việc chấp nhận phụ thuộc nguồn nhập khẩu nào đó là tất yếu.

Không phụ thuộc vào nước này thì sẽ phụ thuộc vào các nước khác vì bản thân cơ cấu kinh tế của Việt Nam là càng xuất khẩu nhiều thì càng phải nhập khẩu nhiều. Giờ chỉ là bài toán phụ thuộc nước nào thì tốt hơn. Nếu là Mỹ, EU, hay các nước OECD, hàng hóa của họ khá chất lượng, nếu đầu vào chất lượng thì đảm bảo cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn.

Việc cố gắng ngăn dòng nhập khẩu cũng dường như không thể khi các rào cản thuế quan được dỡ bỏ, khi các hiệp định thương mại đã được ký kết và thực thi.

“Khi đó, nhập khẩu nhiều hay ít không phải do Việt Nam muốn hay không, mà do các tập đoàn đa quốc gia quyết định. Đó là việc bình thường”, ông Thắng nói.

Vấn đề là họ tận dụng được hiệp định để xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, thì DN Việt có tận dụng được để xuất khẩu hàng sang nước họ hay không.

Ngoài ra, nếu Việt Nam làm tốt được công nghiệp phụ trợ thì thâm hụt nhập khẩu không thành vấn đề, nhưng việc này xem ra khó cải thiện trong ngày một ngày hai.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây