Chồng bị sát hại, vợ chém chết trộm: Người vợ có phạm tội không?

Thứ hai - 11/03/2019 21:34
(Dân Việt) Luật sư đã có những phân tích pháp lý xung quanh vụ việc chồng bị sát hại, vợ chém chết trộm ở huyện Cần Giờ, tỉnh Long An.
Chồng bị sát hại, vợ chém chết trộm: Người vợ có phạm tội không?

Như đã thông tin, ngày 11.3, Thượng tá Phạm Thanh Tâm, Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An xác nhận tại xã Thuận Thành xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến hai người tử vong, một người bị thương.

Nạn nhân được xác định là anh V.T.H (38 tuổi) tử vong và vợ là N.T.H (31 tuổi, cùng ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) bị thương. Hung thủ gây án là Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) đã tử vong.

 chong bi sat hai, vo chem chet trom: nguoi vo co pham toi khong? hinh anh 1

Khu vực nơi xảy ra sự việc. Ảnh: IT

Lãnh đạo UBND xã Thuận Thành cho biết, lúc 0h30 cùng ngày Trung lẻn vào nhà anh H để trộm cắp tài sản. Khi bị vợ chồng anh H phát hiện truy hô, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh H tử vong tại chỗ.


Lúc này, chị H sợ hãi, ôm con nhỏ một tuổi bỏ chạy, Trung cầm hung khí đuổi theo. Sau khi Trung đâm trúng chị H, chị nhặt được hung khí rồi đưa về sau đâm trúng kẻ trộm.

Chị H sau đó đã kêu gọi người dân xung quanh đến hỗ trợ. Phát hiện sự việc người dân đã đưa các nạn nhân đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh H và Trung đã tử vong. Riêng chị Hằng bị thương được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, hiện sức khỏe đã ổn định.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiến pháp và pháp luật nước ta đều tôn trọng và bảo vệ quyền con người, trong đó quyền sống là quyền cao quý nhất. Mọi hành vi tước đoạt quyền được sống đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng.

Dưới góc độ pháp luật hình sự, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Như vậy, cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân.

Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.

Khi đã có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả trong những trường hợp có biện pháp khác để tránh được sự tấn công.


Sự chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào chính người tấn công, vào chính người đang gây ra nguy hiểm cho xã hội. Thêm nữa là sự chống trả của người phòng vệ phải là sự chống trả cần thiết.

Xét hành vi của đối tượng Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) đã có lỗi xâm phạm chỗ ở, chuẩn bị hung khí nguy hiểm đột nhập vào nhà ở người khác vào ban đêm để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Khi bị vợ chồng anh H phát hiện truy hô, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh H tử vong tại chỗ.

Hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Thành Trung sát hại anh H đã cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015. Nhưng do đối tượng đã chết nên không có căn cứ xử lý.

Việc sử dụng hung khí của người vợ chống trả lại đối tượng đang truy sát tiếp tục giết mình là cần thiết và tương xứng để bảo vệ tính mạng của bản thân và cháu nhỏ.

Hành vi của người vợ dùng hung khí đâm đâm trúng hung thủ gây tử vong trong hoàn cảnh này thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng nên không cấu thành tội phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, TAND Tối cao đã quy định “Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng”.

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây