Sống lại cuộc đời theo vó ngựa

Thứ năm - 09/02/2017 04:16
Sống lại cuộc đời theo vó ngựa

 

 

(PL News) - Việc trường đua ngựa ở khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) chính thức hoạt động từ dịp Tết Nguyên đán đã giúp nài ngựa và nhiều người khác tìm lại được thú vui công việc quen thuộc, quan trọng hơn là có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Sống lại cuộc đời theo vó ngựa
Đông đảo khán giả đến xem đua ngựa ngay trong những ngày đầu tiên mở cửa của trường đua Ảnh: H.Đ.

Ông Ngô Quang Vinh, phó chủ tịch Liên đoàn Môtô - xe đạp VN, cho biết nếu không tính đến các lễ hội thì trường đua Phú Thọ trước đây là nơi duy nhất có tổ chức đua ngựa chuyên nghiệp ở VN. Vì vậy kể từ khi Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM đóng cửa trường đua nơi đây vào năm 2011, đua ngựa chuyên nghiệp xem như hoàn toàn vắng bóng ở VN, cho đến khi trường đua Đại Nam được xây dựng từ hồi giữa năm ngoái.

Mừng tủi ngày trở lại

Và lập tức, các nài ngựa lừng danh ở Phú Thọ ngày nào - người bỏ nghề đi làm thợ, người trôi dạt sang tận Campuchia kiếm sống - được triệu tập trở lại.

Anh Nguyễn Minh Danh, một nài ngựa lão làng, kể: “Khi được bác sĩ Phú (tức ông Nguyễn Phùng Lương Phú - bác sĩ thú y của trường đua Phú Thọ trước đây, nay là giám đốc đua ngựa ở Đại Nam) nhắn, tôi lập tức nhận lời. Gia đình tôi đã ba đời nuôi ngựa nên ngoài nghề này, tôi thực sự không biết làm gì khác. Đã có tuổi nên bây giờ tôi chỉ có thể làm công tác quản lý, săn sóc ngựa”.

Chỉ trong một tháng kêu gọi, có đến 32 nài ngựa cũ của trường đua Phú Thọ trở lại sự nghiệp, bên cạnh đó là 6 tay đua trẻ vừa được đào tạo.

Hạnh phúc nhất hiển nhiên là các VĐV, những người được sống lại niềm đam mê vùng vẫy trên lưng ngựa - một thời cũng đem lại miếng cơm manh áo khá sung túc. Trường đua Phú Thọ đóng cửa đã dẫn đến việc họ bị thất nghiệp và trải qua nhiều năm tháng lận đận kiếm sống. Trần Hoài Phong (22 tuổi), người thường xuyên giành ngôi quán quân các cuộc đua cách đây 6, 7 năm ở Phú Thọ, cho biết anh đã phải lặn lội sang Campuchia để tiếp tục gắn bó với nghề.

“Nhưng ở đó khoảng một tháng mới có giải đua một lần. Tôi cũng mới quay trở lại nghiệp đua trong vòng một năm nay thôi, trước đó tôi đi làm công lặt vặt, việc này việc nọ ở các xưởng để kiếm sống. Không có công việc nào thích hợp với tôi như đua ngựa, lương cũng rất thấp. Cũng may mà tôi dành dụm được khá nhiều thời còn đua ở Phú Thọ nên gia cảnh không đến nỗi quá túng quẫn mấy năm qua”, nài ngựa có cân nặng chưa đầy 50kg này kể.

Nếu như Hoài Phong vẫn còn trong độ tuổi tráng niên thì với nài ngựa Cao Văn Minh, cái tuổi gần tứ tuần vẫn không cản được bước đam mê của anh. Năm nay 37 tuổi, anh Minh từng là tay đua gạo cội từ tận thập niên 1990 và đã giải nghệ vào năm 1995 trước khi chuyển sang công việc săn sóc ngựa. Không ai buồn hơn anh khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, vừa mất đi việc làm, vừa phải chia tay những “người bạn bốn chân” thân thiết hơn hàng chục năm. “Nghe anh Danh nhắn về Bình Dương mà tôi ngỡ như mơ. Dù biết mình đã lớn tuổi, lại cũng từng giải nghệ nhưng tôi vẫn xin được đua thêm vài năm nữa”, anh Minh nói.

Thăng trầm theo vó ngựa

Vừa trò chuyện, anh Minh vừa chỉ cho chúng tôi thấy những vết thương kinh hoàng mà anh từng trải qua trong cuộc đời trên lưng ngựa, bao gồm hai vết nứt xương đòn, bàn chân trái từng bị đứt gân và cái chân phải từng gãy ống quyển. Đó đều là những chấn thương khiến anh phải phẫu thuật, mất hàng tháng trời để hồi phục, nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê trên trường đua, một phần cũng vì thu nhập khá cao của nghề.

Sống lại cuộc đời theo vó ngựa
Anh Cao Văn Minh chăm sóc cô ngựa cái của mình Ảnh: H.Đ.

Các nài ngựa kể những tay đua xuất sắc của trường đua Phú Thọ trước đây đều có thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng. Mỗi một đợt đua, người giành ngôi đầu nhận hơn 1 triệu đồng, tức 10% tiền độ. Tiền thưởng giảm dần theo thứ hạng nhưng những người thua cuộc (nằm ngoài top 5) cũng nhận được 100.000 đồng. Và mỗi tuần như vậy, một nài ngựa có thể tham gia từ 5, 6 cho đến cả chục cuộc đua.

Thu nhập cao thúc đẩy các nài ngựa vào nghề từ khi còn rất trẻ. Ông Phú, nay đã là giám đốc trường đua nhưng mọi người vẫn quen gọi là bác sĩ Phú, giải thích: “Giống ngựa cao nhất, xếp vào nhóm trên 1,46m cũng chỉ chở được 58kg theo quy định. Vì vậy mà các nài ngựa thường rất nhỏ con. Trước đây ở trường đua Phú Thọ, các nài thường là thiếu niên chưa trưởng thành. Nhưng trường đua hiện nay quy định phải đủ 18 tuổi mới được đua”.

Phần đông các nài ngựa đều xuất thân từ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - nơi nổi tiếng là làng ngựa của VN. Việc trường đua ngựa xuất hiện trở lại cũng làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn là một chủ ngựa có tiếng trong vùng, trước đây từng nuôi 4, 5 con nhưng kể từ khi Phú Thọ đóng cửa trường đua, ông Tấn chỉ giữ lại một con vì thú đam mê. Mỗi một chú ngựa thuần chủng đều có giá khoảng 50 triệu cho đến hàng trăm triệu đồng, chi phí nuôi cũng tốn bạc triệu mỗi tháng nên giống như ông Tấn, phần đông các gia đình truyền thống đều chỉ giữ lại 1, 2 chú ngựa. Suốt vài tháng qua, công tác mua, tuyển chọn ngựa bắt đầu nhộn nhịp trở lại ở nơi đây. Cũng giống những nài ngựa, không ít ngựa chiến được bán sang Campuchia nay lại được mua về.

“Đua ngựa có cái khó hơn những môn thể thao khác là ngoài nỗ lực cá nhân, chúng tôi còn phụ thuộc nhiều vào ngựa. Nhiều con khi tập luyện rất tốt bỗng nhiên ra sân đấu, thấy hàng ngàn người xem lại hoảng sợ, hoặc giở chứng không muốn đua nữa. Vì vậy mà chúng tôi tuy không phải chủ ngựa nhưng phải luôn thân mật, gần gũi với chúng mới có thể đua tốt được”, anh Minh chia sẻ kinh nghiệm.

Cứ một ngày đôi ba lần, anh Minh lại dành hàng chục phút vuốt ve, chải đầu cho “cô ngựa” cái có tên Diệu Hoa của mình. Bên trong những chuồng ngựa ẩm ướt, đượm mùi phân, rơm rạ, cuộc đời của những nài ngựa lẫn “người bạn bốn chân” của họ lại bắt đầu sôi động.

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây