Ông Obama để lại gì trước khi rời Nhà Trắng?

Thứ ba - 24/01/2017 18:25
Ông Obama để lại gì trước khi rời Nhà Trắng?
Obama phát biểu lần đầu trước lưỡng viện ngày 24-2-2009
Tổng thống Barack Obama phát biểu lần đầu trước hai viện Quốc hội Mỹ vào ngày 24-2-2009 - Ảnh: WhiteHouse

Khi gia đình Obama dọn đến sống và làm việc tại Nhà Trắng đầu năm 2009, người da màu ở Mỹ từng nhìn điều đó như một biểu tượng. Họ gọi một cách biểu trưng là sự “phá vỡ trần kính” - tấm vách kính trong suốt nhưng luôn ngăn chận sự vươn lên của người da màu.

“Ông ấy đã giúp cho một phần xã hội nuôi dưỡng những tham vọng ở đất nước mà người ta tin rằng dù có là người da màu thì ta vẫn có thể trở thành lãnh đạo của thế giới tự do. Đó là một cách khác để đánh giá về di sản của Obama, xét theo cách mà Obama đã phải đương đầu với sự chống đối và nạn quan liêu” - Alex Okafor, Nghiên cứu sinh Khoa chính trị ĐH Princeton.

Rạn nứt sắc tộc còn đó

Đối với vấn đề phân biệt sắc tộc, Tổng thống Obama có lẽ theo khuynh hướng thực dụng. Ông chọn cách tháo ngòi căng thẳng hơn là giải quyết cốt lõi vấn đề. Một ví dụ: Henry Louis Gates, một giáo sư nổi tiếng của ĐH Harvard, từng bị bắt giữ ngày 16-7-2009 khi loay hoay mở cửa căn biệt thự của mình. Nhóm cảnh sát da trắng cho rằng vị giáo sư da màu này là kẻ trộm!

Hai tuần sau đó, Tổng thống Obama đã tổ chức buổi “thượng đỉnh bia bọt” tại Nhà Trắng và mời vị giáo sư danh tiếng cùng viên cảnh sát da trắng nhiệt tình đến uống để… giảng hòa.

Henry Louis Gates, Jr. (left), Sgt. James Crowley (centre), and Pres. Barack Obama at the “beer summit” in the Rose Garden at the White House, 2009
GS Henry Louis Gates, Jr. (trái), cảnh sát viên James Crowley (giữa), và Tổng thống Barack Obama tại buổi uống bia giảng hòa ở Vườn Hồng trong Nhà Trắng năm 2009 - Ảnh: WhiteHouse

Đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ, dường như vấn đề rạn nứt sắc tộc còn nguyên đó, nếu không muốn nói là trầm trọng hơn.

“Phải thừa nhận rằng chúng ta có một vấn đề nghiêm trọng không hề phù hợp chút nào với sự tôn trọng của chúng ta đối với phần lớn các sĩ quan đang hằng ngày đối mặt cái chết để bảo vệ chúng ta. Vì thế cần phải nói rằng ở cấp độ quốc gia chúng ta có thể và cần phải làm nhiều hơn để định hình những hành xử tốt hơn nhằm giảm thiểu những hành vi chủng tộc trong việc giữ gìn luật pháp”.

Tổng thống Barack Obama đã phát biểu những lời đó sau các vụ nổ súng ở Dallas và Baton Rouge hồi tháng 7 năm nay. Trớ trêu thay những người nổ súng bắn cảnh sát Mỹ lại chính là những cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan.

Họ là những binh sĩ da màu và họ nổ súng với động cơ trả thù những hành xử sai trái của cảnh sát đối với người da màu. Đã bao nhiêu vụ như thế xảy ra dưới hai nhiệm kỳ của Tổng thống da màu Obama, bất chấp mong muốn của ông triệt tiêu đi tình trạng đó.

Tổng thống Obama, trong hai nhiệm kỳ của mình, luôn gắn thể hiện vị trí phía trên những rạn nứt sắc tộc đó để thể hiện vai trò một Tổng thống liên bang. Nhưng có vẻ như ông đã thất bại trước thực tế.

Những phát súng nhuốm màu phân biệt sắc tộc của cảnh sát đã biến hai công dân Alton Sterling và Philando Castille trở thành người da màu thứ 115 và 116 bị cảnh sát bắn chết trong năm 2016. Tình hình càng có vẻ tồi tệ hơn với những bài phát biểu vận động tranh cử của ứng viên Donald Trump bên đảng Cộng hòa.

Tình hình càng có vẻ nghiêm trọng hơn khi nhiều nghệ sĩ da màu tập hợp quanh nữ ca sĩ Alicia Keys để làm một video clip hồi tháng 7 với tựa đề “23 cách mà bạn có thể bị giết nếu bạn là người da màu ở Mỹ”. Những người làm đoạn phim đó đòi hỏi sự thay đổi tức khắc trong các quyết sách của chính quyền Obama nhưng ở một mặt nào đó, nó như một nhắc nhở về sự thất bại trong hai nhiệm kỳ của ông.

Không phải bởi vì Léon Blum (người Do thái) làm Thủ tướng mà nước Pháp không bao giờ gặp phải vấn đề bài Do thái. Không phải bởi vì bà Benazir Bhutto làm Thủ tướng Pakistan mà nước này không còn vấn đề bất bình đẳng nam nữ. Tương tự như thế, thắng lợi của Obama không thể giải quyết được vấn đề sắc tộc ở Mỹ”
Ta-Nehisi Coates, nhà báo da màu và là tác giả một tiểu luận nổi tiếng về tình trạng bạo lực đối với người da màu ở Mỹ
Obama tuyên thệ ngày 20-1-2009
Ông Obama tuyên thệ ngày 20-1-2009 với sự hiện diện của vợ và hai con gái - Ảnh: WhiteHouse

Obamacare và việc làm

Phải nhìn nhận rằng những thành tựu của ông Obama là không có gì phàn nàn ở đất nước mà kinh tế đặt lên hàng đầu.

Đắc cử ngay giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vào tháng 11-2008, ông Barack Obama đã biết cách đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy, biết cách can thiệp để cứu vớt các ngân hàng và ngành công nghiệp xe hơi và giúp nước Mỹ tìm lại việc làm.

Với tỉ lệ thất nghiệp chưa đến 5 %, nước Mỹ được xem như một trường hợp đặc biệt trong số các nước phương tây.

Trên phương diện ngoại giao, ông đã giữ được lời hứa. Các binh sĩ Mỹ đã rời Iraq và Afghanistan năm 2012 và các quan hệ đã được thiết lập trở lại với Cuba vào tháng 3-2106.

Lần đầu tiên nước Mỹ đã không còn đóng vai trò cản trở mà là vai trò người dẫn đầu trong các cuộc thương thuyết về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu của toàn cầu.

Việc chấp nhận hôn nhân đồng giới vào tháng 6-2015 cũng đã ghi dấu cho ông Obama như một Tổng thống hướng đến tương lai. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là ông Obama đã thay đổi được số phận của những người thất thế nhất của xã hội Mỹ với chính sách Obamacare nổi tiếng.

“Luật bảo vệ bệnh nhân và Chăm sóc y tế giá phải chăng” (Patient Protection and Affordable Care Act, gọi ngắn gọn là Obamacare), ký vào tháng 3-2010 và có hiệu lực ngày 1-1-2014, nhằm bảo vệ cho 50 triệu người Mỹ vốn trước đó không đủ khả năng chi trả chi phí chăm sóc y tế. Ngay trong năm đầu tiên áp dụng, luật này đã giúp 12 triệu người Mỹ có được bảo hiểm y tế, làm giảm tỉ lệ người dân độ tuổi 18-65 không có bảo hiểm từ 18% xuống còn 12% (theo thống kê của Viện Gallup).

Obama Trump ngày 10-11 tại Phòng bầu dục Nhà Trắng
Tổng thống Barack Obama (phải) trong buổi tiếp Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 10-11 tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng - Ảnh: WhiteHouse

Có thể thấy Tổng thống Obama đã làm được nhiều việc trong thời gian tại vị nhưng điều mà đa số người da màu và người thiểu số mong chờ thì ông vẫn còn mắc nợ.

Manthia Diawara, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ Phi ở ĐH New York (NYU), nhấn mạnh đến hai thái cực tình cảm trong đánh giá về Tổng thống Obama: “Một mặt, người da trắng cảm thấy như trở thành cộng đồng thiểu số nạn nhân và kiểu cảm nhận sắc tộc này chưa từng tồn tại đến mức độ này trước khi Obama đắc cử. Nó như một thứ phản ứng và nó bộc lộ rõ hơn qua những phát biểu của Donald Trump và những đài truyền hình bảo thủ như Fox News. Trong khi đó, người da màu cũng cảm thấy thất vọng: họ thấy rằng Obama đã không thể làm được những điều mà họ mong muốn khi bỏ phiếu cho ông ấy”.

Tổng thống Obama cũng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc

“Hạ viện Mỹ đã hành xử với niềm tin là Obama không hợp pháp bởi vì ông ấy là một trong những Tổng thống hiếm hoi ở Mỹ không xuất thân từ giới thượng đỉnh. Đó là kiểu thù địch sâu sắc hơn cả nạn phân biệt chủng tộc” - Dame Babou, nhà báo da màu ở Harlem (Mỹ) đã nhận định như thế. 

Thực tế là trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với đài truyền hình CNN vào đầu tháng 12 này, Tổng thống Obama đã có thừa nhận đầy bất ngờ: "Tôi cũng bị nạn phân biệt chủng tộc ngay trong văn phòng của mình". Ông không nói rõ đó là chuyện gì nhưng mọi người đều nhớ rằng khi ông đắc cử lần đầu năm 2008, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã nói thẳng là họ không thích Obama nhưng đành phải "sống chung với lũ".

Trên CNN, ông Obama nhìn nhận: "Quan niệm về chủng tộc ở Mỹ không chỉ là vấn đề di truyền mà còn là văn hóa".

Ông Obama cũng bị chỉ trích ngay từ người da màu. Một trí thức da màu nổi tiếng, ông Cornel West, là một trong những người chỉ trích Tổng thống Obama gay gắt nhất, gay gắt đến mức vào năm 2015, ông West gọi Obama là “vị Tổng thống da màu nhút nhát đầu tiên”. Trong mắt ông West, Obama là “người rúm ró khi phải tố cáo sự thống trị của da trắng”.

Tác giả bài viết: TIMOTHY UNVERZAGT GODDARD (giảng viên người Mỹ)

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây