IS sắp bị xóa sổ, khủng bố vẫn tồn tại

Thứ ba - 24/01/2017 18:22
IS sắp bị xóa sổ, khủng bố vẫn tồn tại
Người dân đến đốt nến tưởng niệm các nạn nhân khủng bố tại thủ đô Berlin - Ảnh: AFP
Người dân đến đốt nến tưởng niệm các nạn nhân khủng bố tại thủ đô Berlin - Ảnh: AFP

Hai vụ khủng bố kinh hoàng liên tiếp xảy ra ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và Berlin (Đức) trong cùng ngày 19-12. Nhiều âm mưu khủng bố bị phát hiện trước dịp lễ Giáng sinh tại Úc, Indonesia…

Những sự kiện này nhắc nhở loài người rằng hiểm họa khủng bố vẫn rất nhức nhối dù cho cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đạt được những thành quả đáng kể tại Iraq, Syria và Libya.

Thu hẹp đáng kể “lãnh thổ” của IS

Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” bắt đầu từ tháng 8-2014, chỉ hai tháng sau khi “nhà nước” này tuyên bố hiện diện.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thành lập Liên minh quốc tế chống khủng bố nhắm vào IS tại Iraq và Syria, nơi IS có “lãnh thổ” xuyên biên giới hai nước này và có hai thành trì hàng đầu của chúng ở thành phố Mosul (Iraq) và Reqqa (Syria).

Năm 2015, Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã giúp Iraq giải phóng được thành phố Tikrit - một trong 3 thủ phủ tỉnh của Iraq mà IS chiếm được ngay từ tháng 6-2014.

Trong nửa đầu năm 2016, Iraq đã thu hồi được thành phố Ramadi và thành phố al-Fallujah đều có vị trí chiến lược rất quan trọng thuộc tỉnh al-Anbar rộng lớn ở phía tây Iraq, địa bàn ôm trọn xa lộ quốc tế duy nhất nối thủ đô Baghdad với Syria.

Theo đánh giá của Mỹ, cho đến trước chiến dịch giải phóng thành phố Mosul, IS đã mất hơn 40% khu vực chiếm đóng của chúng tại Iraq, bao gồm hầu hết các thành phố lớn, chỉ trừ Mosul.

Chiến dịch giải phóng Mosul do chính phủ Iraq phát động từ giữa tháng 10-2016, đang đẩy IS vào thế bị bao vây toàn diện từ mọi phía. Việc thủ phủ cuối cùng của IS ở Iraq bị xóa sổ, tuy không hề đơn giản, nhưng cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Iraqi Christians attend a mass on Christmas at an Orthodox church in the town of Bashiqa, east of Mosul, Iraq December 25
Trẻ em người Iraq dự lễ Giáng sinh tại nhà thờ Chính thống giáo ở thị trấn Bashiqa, phía đông TP Mosul, Iraq hôm 25-12. Hơn hai năm rồi các em mới được tự do đi nhà thờ - Ảnh: Reuters

Tại Syria, mặc dù thủ phủ của IS ở Reqqa vẫn tồn tại, nhưng khu vực mà IS chiếm đóng từ năm 2014 đến nay đã bị thu hẹp khá nhiều. Hầu hết các đô thị quan trọng mà IS kiểm soát ở phía bắc Syria đã bị mất về tay các lực lượng khác.

Thành phố Reqqa hiện đã nằm trong vòng vây tứ phía khi các lực lượng chống khủng bố đã chiếm được vùng nông thôn phía bắc thành phố và áp sát địa giới hành chính của tỉnh này từ các hướng còn lại.

Ngày 18-12, IS đã chính thức bị đánh đuổi khỏi thành phố Sirte - thủ phủ duy nhất của IS ở Libya và Bắc Phi, sau một chiến dịch kéo dài từ tháng 5.

Tiêu diệt nhiều thủ lĩnh hàng đầu 

Một trong những quyết sách trọng điểm của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến chống IS là tiêu diệt đội ngũ lãnh đạo của tổ chức này. Mỹ đã đưa vào Iraq và Syria 700 quân đặc nhiệm (cùng với hơn 4.000 quân nhân khác). Một trong những nhiệm vụ chính của số này là bí mật chấm định mục tiêu cho không quân hoặc biệt kích đổ bộ đường không “xóa sổ” những tên đầu não.

Nhân vật cao cấp nhất của IS bị Mỹ tiêu diệt gần đây là Abu Mohammed al-Adnani, 39 tuổi. Y có chức danh chính thức là người phát ngôn của IS, nhưng là nhân vật quyền lực thứ hai của “Nhà nước Hồi giáo”, chỉ sau thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi.

Ngày 30-8, tên này buộc phải rời nhà bí mật ở thành phố Reqqa cùng 3 đồng sự. Tên lửa từ máy bay không người lái của Mỹ đã phá hủy chiếc xe chở bọn chúng. Sự việc diễn ra chỉ trong vài phút, kết thúc một chiến dịch thầm lặng kéo dài mấy tháng trời.

Theo tin từ các giới chức Mỹ, trong vài tháng qua, Mỹ đã xóa sổ ít nhất 6 nhân vật “cỡ bự” cùng hàng chục tên chỉ huy “hạng hai” của IS. Một trong số nhân vật thuộc “giới tinh hoa” của IS cũng bị tiêu diệt gần đây là Abu Omar al-Shishani người Chechnya, được coi là “bộ trưởng Quốc phòng”. 

Thành viên IS bị bắt tại Mosul, Iraq - Ảnh: Reuters

Chiến dịch nhằm loại bỏ các chỉ huy đầu não của IS đã khiến thủ lĩnh al-Baghdadi ngày càng cô độc do bị chặt gần hết tay chân thân tín nhất. Tuy nhiên, al-Baghdadi thì vẫn như chuột lủi.

Khi phát động cuộc chiến chống khủng bố nhắm chủ yếu vào IS ở Iraq-Syria, tổng thống Barack Obama đoan chắc có thể “tiêu diệt” được cái quái thai này vào cuối năm nay, trước khi ông rời Nhà Trắng.

Nay có thể khẳng định “dự án” mà Obama tập trung đầu tư đã có kết quả không thể phủ nhận, nhưng chắc chắn bị “chậm tiến độ” và chưa biết khi nào kết thúc.

Khủng bố vẫn còn

Thực tế cuộc chiến do Mỹ đứng đầu chống khủng bố từ 2014 đến nay chủ yếu nhắm vào IS ở Iraq-Syria và Libya. Ngay tại ba quốc gia này, IS vẫn chưa bị xóa sổ. Mà kể cả khi IS bị đánh đuổi khỏi các căn cứ của chúng thì hoạt động của IS ở đó cũng chưa thể kiểm soát được.

IS xuất phát từ Iraq, nơi tổ chức thánh chiến dòng Sunni này có nền tảng xã hội - dòng tộc sâu rộng. Hoạt động của IS tại Iraq nói riêng và Trung Đông nói chung sẽ còn tồn tại khó kiểm soát chừng nào các mâu thuẫn căng thẳng dằng dai giữa thế lực Ảrập - Sunni với thế lực Iran - Shiite ở khu vực này chưa được giải quyết ổn thỏa.

Quân đội Iraq đã có hỏa lực mạnh để tấn công IS tại thành phố Fallujah - Ảnh: Reuters

Trong hai năm rưỡi qua, IS đã “bành trướng” ra nhiều địa bàn khác ngoài Iraq-Syria và Libya. IS đã tổ chức ra “bang Khorasan” bao gồm các quốc gia Nam Á. Một số tổ chức Hồi giáo cực đoan chuyên hoạt động khủng bố tại các quốc gia khác đã tuyên bố gia nhập IS và tôn sùng thủ lĩnh al-Baghdadi.

Đó là Beit al-Moqaddas ở Sinai của Ai Cập, Shabab ở Somalia, Boko Harram ở Nigeria, Abu Seyyab ở Philippines. IS còn nhiều nhóm hoạt động mạnh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, gây ra những vụ khủng bố nhức nhối tại Saudi Arabia, Yemen, Jordan, Bahrein, Tunisia, Algeria…  

Khi Mỹ tập trung đánh IS, tổ chức “đàn anh” của nó là al-Qaeda vẫn tồn tại. Đầu não của al-Qaeda, do Ayman Zawahiri làm thủ lĩnh vẫn lẩn khuất đâu đấy ở khu vực liền kề Afghanistan - Pakistan. Al-Qaeda ở bán đảo Ảrập, tập trung tại Yemen vẫn hoạt động mạnh như khi IS chưa xuất hiện.

Một số tổ chức Hồi giáo nguyên gốc cực đoan khác, như Ansar Sharia ở Libya, Anh Em Hồi giáo ở Ai Cập… cũng có những hoạt động mang tính chất khủng bố tương tự như IS, al-Qaeda.

Việc ngày càng gia tăng các vụ khủng bố được gọi là “con sói đơn độc” tại châu Âu và Mỹ minh chứng một sự thật là cho dù các tổ chức khủng bố như IS, al-Qaeda có bị tiêu diệt về mặt thực thể, thì khủng bố cũng vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với cuộc sống an bình trên thế giới và cuộc chiến chống khủng bố vẫn đòi hỏi nỗ lực chung của toàn thể loài người.

Chiếc xe tải mà tên khủng bố Anis Amri chiếm đoạt để dùng làm công cụ khủng bố ở Berlin (Đức) hôm 19-12 - Ảnh: AFP

Tác giả bài viết: NGUYỄN NGỌC HÙNG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây